Lật tẩy sự xuyên tạc vụ án 3 thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân
Ngày 11/11/2019, Châu Văn Khảm cùng 2 thành viên khác của tổ chức khủng bố Việt Tân bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, rất nhiều tổ chức, cá nhân “uốn lưỡi cú diều”, đưa tin sai lệch bản chất vụ án, xuyên tạc chính quyền đã đàn áp, bỏ tù những “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền” vô tội theo một kịch bản dựng sẵn.
Những luận điệu “đổi trắng thay đen”
Theo cáo trạng, Đỗ Hoàng Điềm là
chủ mưu của vụ án, đầu tháng 01/2019, đã chỉ đạo Châu Văn Khảm (một đối tượng
hoạt động tích cực của “Việt Tân” với bí danh Hoàng Liêm) nhập cảnh vào
Campuchia, sau đó sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả để xâm nhập bất hợp pháp
vào Việt Nam bằng đường bộ. Tại Việt Nam, Châu Văn Khảm đã lôi kéo, kết nạp
Nguyễn Văn Viễn vào tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Đồng thời, Khảm đưa cho Viễn
400 USD. Sau đó, Viễn đã đồng ý tham gia tổ chức. Mục đích các đối tượng là
phát triển lực lượng, cung cấp tài chính, kích động biểu tình… để chống phá Nhà
nước Việt Nam.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ
quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kịp thời bắt giữ Khảm và Viễn. Mở rộng
điều tra, Cơ quan Công an bắt giữ thêm Trần Văn Quyền và 3 đối tượng khác.
Trần Văn Quyền tham gia tổ chức
khủng bố “Việt Tân” từ tháng 9/2018 nhờ sự “dẫn dắt” của Đỗ Hoàng Điềm. Quyền
đã thuê nhóm bị cáo Kiên, Ánh, Nhài làm giả 2 CMND; khảo sát một số tuyến đường
có lắp đặt vị trí camera để cung cấp cho Đỗ Hoàng Điềm; khảo sát các tuyến xâm
nhập đường bộ khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia; xuất cảnh sang Campuchia
tham gia lớp huấn luyện do tổ chức khủng bố “Việt Tân” tổ chức; nhận của Đỗ
Hoàng Điềm 900 USD để “bố trí việc làm cho người của tổ chức”. Trong vụ án
này, Đỗ Hoàng Điềm và một số đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố Việt Tân
đang ở Mỹ nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý
sau.
Tại phiên tòa,
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Châu Văn Khảm (70 tuổi, Việt kiều Úc) 12 năm
tù, Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ Q.12, TP. HCM) 11 năm tù, Trần
Văn Quyền (20 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ tại TX. Dĩ An, Bình Dương) 10 năm tù, cùng
về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự
2015. Đồng thời, HĐXX tuyên buộc trục xuất bị cáo Châu Văn Khảm khỏi Việt
Nam sau khi chấp hành xong hình phạt; tuyên phạt quản chế 5 năm đối với Viễn và
Quyền sau khi mãn hạn tù.
Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và
Trần Văn Quyền tại tòa (Ảnh IT)
Ngay sau phiên tòa, lập tức những
kẻ chống đối, thiếu thiện chí với chế độ rầm rộ đưa tin xuyên tạc, bẻ cong sự
thật, thay đổi bản chất vụ án nhằm công kích Đảng, Nhà nước, vu cáo Việt Nam vi
phạm nhân quyền. Từ đó, chúng kêu gọi các tổ chức xưng danh “bảo vệ nhân quyền”
đưa Việt Nam vào các bảng xếp hạng, danh sách “cần quan tâm về nhân quyền” để
gây bất lợi khi Việt Nam đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại hay trong
chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.Các tổ chức, cá nhân mang cái nhìn thù
địch, thiếu thiện chí với Việt Nam cho rằng: “Bộ Công an Việt Nam ra thông cáo
gắn nhãn đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố là không đáp ứng được tiêu chuẩn
thực tế và thẩm quyền pháp lý; dựa vào thông cáo của Bộ Công an để kết án 12
năm tù về tội “khủng bố” đối với ông Châu Văn Khảm chỉ vì ông tham gia đảng
Việt Tân, cho thấy chính quyền Việt Nam đã lạm dụng việc chống khủng bố để trấn
áp các đảng chính trị đối lập và trừng phạt những người hoạt động dân chủ cho
Việt Nam; phiên tòa trò hề dân chủ, không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào tội
danh “khủng bố”; nhà cầm quyền đã hình sự hóa những hoạt động dân chủ, nhân
quyền thành tội phạm; tòa án cộng sản chỉ là những diễn viên, phiên tòa chỉ là
màn kịch, còn mức án tù thì đã được quyết định sẵn; nhà cầm quyền CSVN đã hung
hãn như thế nào trong việc đàn áp các giá trị nhân quyền phổ quát…”.
Luận điệu cho rằng Bộ Công an không
có thẩm quyền pháp lý thông cáo“Việt Tân” là tổ chức khủng bố
Từ những luận điệu xuyên tạc, vu
cáo trên các đối tượng yêu cầu trả tự do cho Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn,
Trần Văn Quyền và kêu gọi chính quyền một số nước không hợp tác kinh tế với
Việt Nam với lý do: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn ngày càng tồi tệ hơn,
cùng với sự đàn áp ngày càng gia tăng đối với các quyền tự do cơ bản của con
người”.
Sự thật về những luận điệu này
Việc các đối tượng cho rằng Bộ
Công an không có thẩm quyền ra thông cáo một tổ chức là khủng bố là cách nhìn
phiến diện, dựa trên những lập luận vô căn cứ.
Tại Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng,
chống khủng bố quy định về nguyên tắc phòng, chống khủng bố, trong đó: “Lực
lượng Công an nhân dân chủ trì, phối hợp với Quân đội nhân dân làm nòng cốt”.
Như vậy, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò chủ trì
trong phòng, chống khủng bố và hoàn toàn đủ thẩm quyền thông báo một tổ chức,
cá nhân là khủng bố dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật
quốc tế. Sau khi thành lập, “Việt Tân” đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho
thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng
bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin… nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng ta.
Tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng,
chống khủng bố quy định: “Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi
sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính
quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ
quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng
hoảng loạn trong công chúng: a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể
hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác; b) Chiếm giữ,
làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở,
gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết
bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân; c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng
hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất
phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho
việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này; d) Tuyên
truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức
cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này; đ)
Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực
hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; e) Các hành
vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống
khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Như vậy đối chiếu với định nghĩa
“khủng bố” tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố, rõ ràng “Việt Tân”
là một tổ chức khủng bố. Việc thông báo “Việt Tân” là tổ chức khủng bố không
phải là phán quyết của Bộ Công an mà Bộ Công an chỉ dựa theo các quy định của
pháp luật, thông báo để cho đông đảo quần chúng nhân dân nhận biết được sự nguy
hiểm của tổ chức “Việt Tân”. Đồng thời, cảnh tỉnh những ai có ý định tham gia,
tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của
“Việt Tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt Tân” tổ chức; hoạt
động theo sự chỉ đạo của “Việt Tân”… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng
bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, các bị cáo bị kết án
không phải vì thông báo “Việt Tân” là tổ chức khủng bố của Bộ Công an mà do đã
vi phạm pháp luật hình sự.
“Hội Anh Em Dân Chủ” công kích
chính quyền, yêu cầu trả tự do cho kẻ phạm tội. Đồng thời, không quên kêu gọi
người dân tham gia “Hội Anh Em Dân Chủ”, “Việt Tân”
“Khoác áo dân chủ, nhân quyền” cho
những kẻ phạm tội, các đối tượng ra sức bôi nhọ, công kích chế độ, cho rằng
“hoạt động dân chủ, nhân quyền” đã bị hình sự hóa mà không có bằng chứng phạm
tội nào. Thực chất, những “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền” này lại là những
kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” khi tham gia, lôi kéo, phát triển lực lượng, nhận tài
trợ, hoạt động theo chỉ đạo của “Việt Tân”- một tổ chức chống phá cách mạng
quyết liệt, luôn đi ngược lại lợi ích Việt Nam. Dù rêu rao các bị cáo bị kết án
mà không có cơ sở nhưng kẻ xấu không thể che đậy được thực tế là hành vi của
Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền đã cấu thành tội phạm. Điều 113
Bộ luật Hình sự 2015 về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, tại
Khoản 2 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt
tù từ 10 năm đến 15 năm: (a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài
trợ khủng bố; (b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử
khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố...”. Mặc dù biết rõ
“Việt Tân” là tổ chức khủng bố nhưng các đối tượng vẫn tham gia. Các đối tượng
thừa nhận là thành viên của “Việt Tân” và chỉ riêng việc tham gia tổ chức này
đã cấu thành tội phạm, chưa kể đến các hoạt động xâm nhập, lôi kéo, phát triển
lực lượng... theo sự chỉ đạo của “Việt Tân”.
Hình phạt tòa án tuyên đối với các
bị cáo cũng phù hợp với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù tại Khoản 2, Điều
113 Bộ luật Hình sự, đủ sức răn đe và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Hình phạt này được đưa ra sau quá trình xét xử công khai, minh bạch, khách quan
chứ không phải là kết quả của “màn kịch, còn mức án tù đã được quyết định sẵn”
như các tổ chức, cá nhân chống đối xuyên tạc.
Việc yêu cầu trả tự do cho những
kẻ bị kết án cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại”. Không một tổ chức, cá nhân
nào có thể yêu cầu tòa án của một quốc gia đầy đủ chủ quyền phải hủy bỏ hay
thay đổi bản án dành cho kẻ phạm tội. Hoạt động vận động chính phủ các quốc gia
và các tổ chức, cá nhân gây sức ép với Việt Nam trong đối ngoại, hợp tác kinh
tế chỉ thêm lật tẩy bản chất chống phá của kẻ xấu, luôn muốn kìm hãm sự phát
triển của đất nước, đi ngược lại lợi ích chung của nhân dân Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét