2020 và sự kết thúc của tin đồn “Hiệp định Thành Đô”
Thời gian vừa qua, nhất là khi những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang, tin đồn về những bí mật trong “Hiệp định Thành Đô” đã được lan tỏa trên mạng, bắt nguồn từ các trang phản động như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Đô Thành Sài Gòn. Rất nhiều thông tin được đưa ra, nào là “chính quyền Việt Nam chủ trương dâng đất cho Tàu”, nào là “năm 2020, Việt Nam sẽ sáp nhập vào Trung Quốc”. Thậm chí, nhiều đối tượng còn vẽ lên kịch bản các giai đoạn sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc theo các bước khác nhau, rất bài bản “theo lời cựu quan chức hay tướng tá quân đội về hưu”.
Điển hình như trên trang Việt Tân có đưa một bài viết, trong đó khẳng định chắc nịch rằng “Ngày 10-08-1987, ông Nguyễn Văn Linh (đang mắc bệnh ung thư) bay qua Trùng Khánh gặp Hồ Diệu Bang (1915-1989), Đặng Tiểu Bình bàn luận về các kế hoạch cắt đất, cắt biên giới và phát họa rõ ràng hơn 1 chương trình “sát nhập Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc” qua chiến thuật “Hoà Bình, hữu nghị, chầm chậm, êm ả, kín đáo, không ai có quyền biết đến” với thời gian 60 năm, phân ra làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 20 năm. GIAI ĐOẠN I : Ngày 15-07-2020 : QUỐC GIA TỰ TRỊ; GIAI ĐOẠN II : Ngày 05-07-2040 : QUỐC GIA THUỘC TRỊ; GIAI ĐOẠN III: Ngày 05-07-2060 : Tỉnh lỵ Âu Lạc. Tỉnh trưởng vẫn là người Việt, đặt dưới quyền lãnh đạo của Tổng Đốc Quảng Châu.”
Tuy nhiên, đến tận ngày hôm nay, 31/12/2019, còn vài tiếng thôi trước khi bước sang năm 2020 và cũng chỉ còn ngần đấy thời gian để “Việt Nam sáp nhập vào Trung Quốc” theo lời đồn. Ấy vậy mà chưa thấy bất dấu hiệu của sự sáp nhập nào mà chỉ có những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao – một hình ảnh Việt Nam nổi bật trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 7%/năm; năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong một thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện đáng kể. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên 2.587 USD năm 2018, khoảng 7.650 USD theo sức mua tương đương. Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn trở thành tấm gương cho các quốc gia khác trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc. Với chính sách ngoại giao khéo léo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo theo con đường hòa bình, coi trọng đối thoại, kết hợp với sự vận động, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của mình trên biển Đông, không để xảy ra những diễn biến phức tạp, bất lợi cho an ninh, quốc phòng.
Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn, chẳng hề có sự sáp nhập, bán nước như lời đám phản động tuyên truyền; mà chỉ có một Việt Nam hội nhập, phát triển và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới mà thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét