Nhận diện thuật ngữ “bất tuân dân sự” và âm mưu thực hiện phong trào “bất tuân dân sự” ở Việt Nam

Gần đây trên các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch xuất hiện nhiều lời kêu gọi như là “lối thoát cho Việt Nam – bất tuân dân sự” hoặc “bất tuân dân sự – con đường tự do cho Việt Nam”. Vậy bản chất thật sự của những lời kêu gọi này là như thế nào? Trên thực tế thì các thế lực phản động đã có những hành động như thế nào đối với âm mưu thực hiện phong trào “bất tuân dân sự” ở Việt Nam?
Xung quanh thuật ngữ “bất tuân dân sự” đã có nhiều bài viết và chỉ rõ thuật ngữ này được xuất hiện trong tiểu luận của Henry David Thoreau. Theo quan điểm của Thoreau “bất tuân dân sự” về bản chất là “bất tuân nhà nước”. Với cách lập luận cho rằng, chính phủ thường có hại hơn hữu ích, do đó họ không thể khách quan và công bằng được. Thoreau đề cao quyền tự quyết của mỗi cá nhân hơn là sự phục tùng theo đa số, theo cộng đồng và các cá nhân có quyền làm bất cứ điều gì mà mình cho là đúng. Thực chất đây là quan điểm cực đoan, “vô chính phủ” nhằm biện minh cho ông ta phải ngồi tù ở bang Massachusetts vì tội không đóng thuế.
Mặc dù ở thời điểm ra đời, tác phẩm của Thoreau không gây được sự ảnh hưởng nào, nhưng sang thế kỷ 20, tư tưởng về một cuộc “cách mạng hòa bình” của ông được một số nhà hoạt động chính trị lợi dụng phát triển thành phương pháp đấu tranh bất bạo động. Đặc biệt, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với tư tưởng chủ đạo là không đánh mà thắng, “bất tuân dân sự” từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Trong các cuộc “cách mạng ca hát”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010… đều có dấu ấn của phong trào “bất tuân dân sự”. Gần đây nhất là phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (năm 2017 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên Hồng Công (năm 2014 và 2019) đều thể hiện rất rõ thủ đoạn “bất tuân dân sự”.

Như vậy, thực chất của “bất tuân dân sự” là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số  đạo luật nhất định nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền; bản chất là hành vi vi phạm pháp luật. Ngày nay, “bất tuân dân sự” đã được các thế lực phản động quốc tế sử dụng để chống phá, lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính trị ở những nước tiến bộ hoặc không cùng “quỹ đạo” với chúng, trong đó có Việt Nam.
Nhận thấy sự lợi hại của phương thức đấu tranh bất bạo động, ở Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức cổ súy cho hình thức “bất tuân dân sự”. Trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch kêu gọi thực hiện “bất tuân dân sự” tại Việt Nam. Chúng ra sức tuyên truyền, cổ súy cho các phong trào “bất tuân dân sự” trên thế giới. Thậm chí, chúng còn phổ biến kinh nghiệm, nguyên tắc, hình thức tham gia… Ở nước ngoài, các tổ chức phản động đã mở nhiều lớp huấn luyện, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm “bất tuân dân sự” cho các thành viên để đưa về Việt Nam thực hiện hành động phá hoại.
Đến nay, bất tuân dân sự từng bước trở thành phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến hòa bình” gắn kết chặt chẽ giữa “bất tuân dân sự” với “xã hội dân sự”, sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” để chỉ đạo, điều hành “bất tuân dân sự”, với chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo; các sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất cập của ta; sự ngộ nhận của người dân trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc… để tuyên truyền chống phá, lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng. Thúc đẩy hình thành các mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, hợp thức hóa việc thực hiện mưu đồ tập hợp lực lượng, chống đối chính quyền, để khi mâu thuẫn lên cực điểm, chúng sẵn sàng kêu gọi kết hợp đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống chính quyền, chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn.
Như vậy, với âm mưu, thâm độc được che đậy dưới các chiêu bài, hình thức tinh vi, khó nhận biết, mập mờ giữa vấn đề dân chủ và các hành vi vi phạm pháp luật để tập hợp lực lượng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, đến sự ổn định và phát triển chung của đất nước. Do đó, mọi tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động, hiểu rõ thực chất của cái gọi là “bất tuân dân sự” cũng như âm mưu thực hiện phong trào “bất tuân dân sự” ở Việt Nam góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM