Tăng cường đấu tranh với các tổ chức, đối tượng phản động, chống phá, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi, Thanh Hóa, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào các dân tộc ở địa bàn. (Ảnh minh họa: Báo Biên phòng).
LÀM TỐT CÔNG TÁC DỰ BÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Trong số các hoạt động chống phá, nổi lên là các hoạt động đăng tải các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động của một số tổ chức như: Đảng Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Đảng dân chủ Việt Nam, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Dân oan khiếu kiện. Các đối tượng cấu kết với một số phần tử bất mãn, cơ hội để thu thập thông tin đăng tải tin, bài tập trung vào những nội dung: 1) Xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp; 2) Tuyên truyền kích động nhân dân chống đối việc triển khai giải phóng mặt bằng các dự án lớn ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Dự án Cảng container Long Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2); Dự án quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội Sầm Sơn; việc khắc phục thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh; 3) Tuyên truyền sai sự thật một số sai phạm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; 4) Tuyên truyền kích động, kêu gọi người dân tham gia biểu tình chống đối chính quyền, kích động biểu tình về sự việc tàu địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8), cùng tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; 5) Sử dụng tài khoản facebook ảo, đánh cắp tài khoản facebook của người dân trên địa bàn để chuyển tải những thông tin xấu, độc.
Trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trong đó, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung các biện pháp để tiến hành triệt phá, xử lý các đối tượng chính trị, phần tử cơ hội có mặt trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng tải các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, hệ thống tuyên truyền của tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ  Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội”; Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
Trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành rà soát và phát hiện, tổ chức đấu tranh với 20 trường hợp sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng tải tin, bài bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 4 trường hợp sử dụng tài khoản facebook cá nhân kích động nhân dân biểu tình, tụ tập đông người trái pháp luật; 3 trường hợp đăng tải thông tin gây hoang mang trong nhân dân; 1 trường hợp sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ nội dung bài viết trên mạng xã hội thể hiện quan điểm sai trái, bất mãn với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 2 trường hợp sử dụng tài khoản facebook cá nhân kích động, vu khống chính quyền xã Quảng Đại và thành phố Sầm Sơn; phát hiện, ngăn chặn 6 học sinh và 2 sinh viên có quan hệ với cá nhân, tổ chức nước ngoài trái quy địnhCác đối tượng trên đã bị xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh đã theo dõi thông tin về Thanh Hóa hàng ngày, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức bóc gỡ 35 video chia sẻ trên kênh Youtube, 31 trang facebook xấu, độc đăng tải các thông tin sai trái; xử lý vi phạm hành chính trong quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ trang thông tin điện tử.
Song song với đó, Thanh Hóa đã làm tốt công tác dự báo tình hình hoạt động của các thế lực thù địch trong nước, trong tỉnh, đồng thời, định hướng công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, bịa đặt. Các cơ quan báo, đài trong tỉnh đều mở chuyên trang, chuyên mục “Phòng chống thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội”. Ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các hình thức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên, tạo sức đề kháng trước các thông tin xấu, độc, thông tin không đúng bản chất, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp, kích động, kêu gọi tham gia biểu tình chống đối chính quyền, ngăn cản lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tăng cường đổi mới nội dung hình thức, phương pháp đấu tranh, phản bác theo hướng linh hoạt, sát thực với thực tiễn; nhất quán theo phương châm lấy “xây” để “chống”, kết hợp chặt chẽ giữa việc thông tin tuyên truyền sâu rộng với việc xác định, phân biệt đối tượng cần đấu tranh phản bác, tích cực liên kết, chia sẻ, lan tỏa các thông tin tích cực, bài viết có nội dung tốt…
XÁC ĐỊNH 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh, xử lý, triệt phá các tổ chức phản động, đối tượng chính trị, phá hoại tư tưởng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội ngày càng tinh vi, có những hoạt động nằm ngoài phạm vi tác động của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh. Vì thế, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động chống phá nhất là trên Internet và mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ chưa nhận thức và phân biệt rõ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội dẫn đến không ít trường hợp “vô tư” và “vô tâm” chia sẻ, bình luận, phát tán thông tin.
Thứ ba, lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng; năng lực, kỹ năng nghiệp vụ có mặt còn yếu, không có lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh phản bác.
Thứ tư, công tác phối hợp giữa các ban, sở, ngành, địa phương trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có thời điểm, sự việc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức.
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh với các tổ chức phản động, đối tượng chính trị, phá hoại tư tưởng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Thanh Hóa xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia” của Bộ Chính trị khóa XII; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội”; Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 29-11-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi đắp ý chí kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; không để xảy ra những sai sót, khuyết điểm trong quản lý kinh tế - xã hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Ba là, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng và dư luận xã hội; sớm phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện phức tạp, nổi cộm phát sinh, những vấn đề bất cập bức xúc trong xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định chính trị. Tổ chức định hướng thông tin kịp thời trước những vấn đề mới, phức tạp; chỉ đạo, định hướng đăng tải tin, bài trên báo, đài hợp lý về tỷ lệ thông tin giữa tích cực và tiêu cực, giảm bớt thông tin mặt trái; kịp thời làm rõ, định hướng những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm; duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về đấu tranh phản bác thông tin xấu độc.
Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt thực sự vững mạnh, tâm huyết, am hiểu trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Năm là, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống nguy cơ ”tự diễn biến”, ”tự chuyển hoá” và quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật phát ngôn, không để nảy sinh những khuynh hướng, quan điểm sai trái để các thế lực thù địch có thể lợi dụng kích động, lôi kéo chống phá; nắm chắc tình hình nhân dân trên tuyến biên giới, tuyến biển và những địa phương có đông đồng bào theo đạo; giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, mâu thuẫn tôn giáo, không để xảy ra các điểm ”nóng” về khiếu kiện.
Sáu là, tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; trang bị kiến thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về nội dung trên./
Nguyễn Văn Phát
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM