Chiêu trò “tự ứng cử” của những “nhà dân chủ rởm”
Nhiễu loạn thông tin để chia rẽ nội bộ
Nắm bắt được nhu cầu thông tin của người dân về công tác chuẩn bị Đại hội, nhất là chuẩn bị nhân sự, các thế lực thù địch và một số phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn, cơ hội chính trị tung lên các trang mạng xã hội đủ các loại thông tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn, đồn đoán, nhận định vô căn cứ về công tác cán bộ, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ và phá hoại Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, họ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gửi đơn thư nặc danh, mạo danh; triệt để sử dụng internet tán phát thông tin xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, khiến dư luận hoài nghi, thiếu tin tưởng vào đội ngũ cán bộ và sự lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ giữa Đảng với Nhân dân.
Cách thức quen thuộc của chúng là dựng chuyện, đưa ra các thông tin trái chiều thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội để tác động tới quần chúng, Nhân dân và một số cán bộ, đảng viên. Họ bình phẩm, nhận xét về trình độ, năng lực của người này, người kia, tập trung vào những hạn chế, khuyết điểm của ngành, lĩnh vực mà người cán bộ đó phụ trách, rồi quy kết thành bản chất của chế độ, thậm chí là bịa đặt, đổi trắng thay đen, làm thay đổi bản chất vụ việc. Mục đích của những thủ đoạn đó không chỉ nhằm vào các cá nhân đơn lẻ. Xét cho cùng vẫn là nhằm đánh vào vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín của cán bộ, đảng viên để chống phá chế độ.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch tiếp tục đưa ra các luận điệu cho rằng: Đại hội là nơi đấu đá giữa “nhóm cải cách” và “nhóm bảo thủ” trong Đảng, là dịp để con em, vây cánh tiến thân. Chúng xuyên tạc việc quy hoạch cán bộ của Đảng là vì lợi ích nhóm, không dân chủ, thiếu minh bạch; cho rằng bầu cử trong Đảng là kiểu “cận huyết thống trong chính trị”, “bầu cử cho vui, mọi sự đã được sắp xếp”. Đặc biệt, khi mà Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa diễn ra thì ngay lập tức lũ “kền kền” trên các trang mạng phản động lại ra sức gào thét, tiếp tục luận điệu rằng Đảng Cộng sản thiếu dân chủ, việc “người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về hoạt động của người được mình đề cử … không thể nào cải thiện được tình hình”… và chúng đưa ra khẩu hiệu hết sức mỹ miều “tự ứng cử và tranh cử mới thực sự có dân chủ”…
Điều gì đằng sau cái gọi là “tự ứng cử”
Như chúng ta đã biết, công tác nhân sự luôn là vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm để chọn ra được những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, năng lực đảm đương trọng trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành đất nước, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chỉ thị số 35-CT/TW, Bộ Chính trị đã chỉ rõ yêu cầu: cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan Nhà nước các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII xác định rõ tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Như vậy, những quyền của đảng viên như đề cử, ứng cử, tự ứng cử hay việc tranh cử, bầu cử… luôn luôn phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, không thể có chuyện ai đó không đáp ứng được các tiêu chí cho từng chức danh lãnh đạo và nhất là không có sự tín nhiệm của tập thể lại có thể “tự ứng cử” như luận điệu của một số kẻ cơ hội, thù địch đang rêu rao.
Rõ ràng, những luận điệu của các thế lực thù địch về công tác chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII là hoàn toàn trái ngược với quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Hệ thống các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra đã và đang nhấn mạnh vấn đề công tác cán bộ với những giải pháp công khai, minh bạch, nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn với những tiêu cực trong công tác cán bộ, bảo đảm cho Đại hội Đảng các cấp thành công, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Cho nên, việc hô hào “tự ứng cử” và đề cao “tranh cử để thực sự dân chủ” thực chất cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ” trong chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch. Mục tiêu của chúng một mặt là gây nhiễu loạn thông tin trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, một mặt là nhằm vào chống phá nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua bầu cử trong Đảng. Song, nguy hại hơn cả là chúng làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, từ đó từng bước chuyển hóa, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng để xuyên tạc, chống phá gây mất đoàn kết nội bộ, cản trở việc tiến hành Đại hội lần thứ XIII Đảng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng./.
Nhận xét
Đăng nhận xét