Vì sao Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia Hong Kong?
Ngày 30/6/2020, Trung Quốc đã thông qua "Luật bảo vệ an ninh quốc gia Khu hành chính đặc biệt Hong Kong" (Luật an ninh quốc gia với Hong Kong).
"Luật bảo vệ an ninh quốc gia Khu hành chính đặc biệt Hong Kong" (Gọi tắt là Luật an ninh quốc gia với Hong Kong) được thông qua chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 23 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.
"Một quốc gia, hai chế độ"
Hong Kong là một tập hợp các đảo và bán đảo giáp với thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Giữa thế kỷ 19, nơi đây là thuộc địa của đế quốc Anh.Năm 1898, Trung Quốc - dưới triều đại nhà Thanh đã ký hợp đồng cho Anh thuê 99 năm.Sau chiến tranh thế giới thứ II, dưới quyền kiểm soát của Anh, Hong Kong phát triển rất nhanh chóng, từ một thuộc địa nhỏ trở thành một trong bốn "Con rồng Châu Á", một trong những trung tâm tài chính và cảng thương mại quan trọng nhất thế giới.
Trong thời kỳ cải cách mở cửa của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1978, Hong Kong đã trở thành một nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu cho Đại lục. Thành công của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, tấm gương sáng trong giai đoạn đầu cải cách mở cửa cũng như nhiều khu vực khác của Trung Quốc không thể tách rời sự đóng góp của Hong Kong. Nền kinh tế của Hong Kong đã dần dần từ ngành dệt may và chế tạo được thay thế bằng dịch vụ.Khi các lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã trở nên chiếm ưu thế, Hong Kong đóng vai trò thúc đẩy phát triển không chỉ đối với Trung Quốc mà đối với cả châu Á và toàn cầu.
Theo hợp đồng ký kết giữa nhà Thanh với Vương quốc Anh, đến năm 1997 hết thời hạn cho thuê.Ngày 01-7-1997, Anh chính thức trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.Trước thời điểm trao trả, giữa Trung Quốc và Anh đã mất một thời gian khá dài đàm phán về quy chế của Hong Kong sau khi trở về với Trung Quốc.Năm 1984, hai bên đạt được thỏa thuậnchung, Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thay mặt hai Chính phủ ký Tuyên bố chung Trung-Anh về vấn đề Hong Kong.Năm 1990, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật cơ bản về Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (gọi tắt là Đặc khu hành chính Hong Kong).
Cả hai văn kiện trên (Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật cơ bản về Hong Kong) đều thể hiện phương châm "Một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc.
Cụ thể là trong vòng 50 năm kể từ khi trở về với Trung Quốc, Hong Kong thực hiện chế độ tự trị mức độ cao, được hưởng quyền quản lý hành chính, quyền lập pháp, quyền tư pháp độc lập và quyền phán quyết cuối cùng. Hong Kong không thực hiện chế độ và chính sách xã hội chủ nghĩa như Đại lục, giữ nguyên chế độ tư bản chủ nghĩa 50 năm không thay đổi.Tóm lại, ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, tất cả mọi lĩnh vực khác đều độc lập với chính quyền Trung ương.
Sức mạnh kinh tế Hong Kong góp phần thúc đẩy kinh tế Trung Quốc và thế giới (Nguồn: AFP)
Tại sao lúc này Trung Quốc lại phải ban bố luật mới về Hong Kong?
Ngày 30/6/2020, chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 23 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, Trung Quốc thông qua "Luật bảo vệ an ninh quốc gia Khu hành chính đặc biệt Hong Kong" (Gọi tắt là Luật an ninh quốc gia với Hong Kong) và có hiệu lực ngay trong ngày hôm sau. Đây là một sự kiện gây xôn xao dư luận thế giới và Đặc khu Hong Kong.
Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 13 bế mạc kỳ họp thứ 20, thông qua Luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong ngày 30/6/2020 (Nguồn: Tân hoa xã)
Muốn biết nguyên nhân tại sao, cần phải nhìn lại tình hình chính trị - xã hội Hong Kong 23 năm qua.Người ta thấy rằng đó là một xứ sở không thật ổn định. Một bộ phận không nhỏ dân Hong Kong, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy không hài lòng với quyền tự do dân chủ mà họ được hưởng trên thực tế. Họ cho rằng chính quyền Hong Kong đã chịu sự chỉ đạo của chính quyền trung ương và không thực hiện đúng quyền tự do dân chủ mà Chính phủ Trung Quốc đã cam kết. Các cuộc biểu tình đã diễn ra.
Gần đây nhất các cuộc biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ của chính quyền Đặc khu kéo dài suốt nửa năm 2019.Tình trạng này diễn ra liên tục từ ngày này qua ngày khác trong thành phố đông đúc chật chội này không chỉ làm đình trệ mọi hoạt động của thành phố mà còn kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Một trung tâm kinh tế tài chính quan trọng của khu vực và thế giới thành một xứ sở bất ổn định;một cái cớ để đối thủ bên ngoài công kích, kìm hãm Trung Quốc. Đặc biệt ý tưởng của Trung Quốc xây dựng Hong Kong thành một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng cho tương lai của Đài Loan với chủ trương thống nhất Đài Loan cũng theo phương châm "một quốc gia, hai chế độ" trở nên khó khăn hơn. Nhưng, có lẽ nguy hiểm hơn tất cả là sự bất ổn này kéo dài có xu hướng dẫn đến chủ nghĩa ly khai, tức người Hong Kong đòi độc lập với Đại lục, điều mà luật pháp Trung Quốc và Luật cơ bản về Hong Kong tuyệt đối cấm kỵ.
Chính phủ Trung Quốc coi tình trạng bất ổn ở Hong Kong là mối đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia. Biết vậy nhưng Trung ương không thể can thiệp. Theo quy định ghi trong Luật cơ bản về Hong Kong cũng như chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc "Cảng nhân trị Cảng" (người Hong Kong quản lý Hong Kong), trừ các công việc liên quan quốc phòng và ngoại giao, tất cả đều do Hong Kong độc lập xử lý.
Đó là lý do Trung Quốc ban hành luật mới, Luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
Người dân Hong Kong (Trung Quốc) hưởng ứng việc thông qua Luật bảo vệan ninh quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong ngày 30/6/2020 (Nguồn: Tân hoa xã)
Mục đích ban hành luật này là đề phòng, ngăn chặn, trừng trị 4 loại hành vị phạm tội, gồm chia rẽ đất nước, lật đổ chính quyền nhà nước, tổ chức thực hiện các hoạt động khủng bố và câu kết với các thế lực nước ngoài gây nguy hại an ninh quốc gia.
Theo các điều khoản quy định trong Luật, chính quyền Trung ương có quyền trực tiếp xử lý tất cả các hành vi nêu trên. Theo đó, ngoài hệ thống bảo vệ an ninh quốc gia do chính quyền Đặc khu Hong Kong thiết lập, sẽ có thêm một cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia của Trung ương đóng tại Hong Kong.
Đó là Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia tại Hong Kong là cơ quan do chính quyền trung ương Trung Quốc biệt phái, không thuộc quyền quản lý của chính quyền đặc khu hành chính này. Văn phòng trên có nhiệm vụ đánh giá tình hình an ninh ở Hong Kong; đưa ra những đề xuất về chính sách cũng như chiến lược quan trọng trong việc duy trì an ninh; đồng thời có thẩm quyền trong các trường hợp nghiêm trọng và vượt ngoài tầm xử lý của chính quyền Hong Kong.
Ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), người đứng đầu Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia của chính quyền trung ương Trung Quốc tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Nguồn: Global Times)
Đằng sau những phản ứng trái chiều
Chính quyền Hong Kong khẳng định luật mới đã khắc phục được những lỗ hổng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia ở Đặc khu, thể hiện quyết tâm của chính quyền trung ương trong việc duy trì vững chắc chính sách "Một quốc gia, hai chế độ", cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Hong Kong là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, công việc của Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, các nước không có quyền can thiệp.
Theo báo cáo của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, có 53 quốc gia ủng hộ Luật bảo vệ an ninh quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Mỹ và một số nước phương Tây phản đối và đe dọa áp dụng một số biện pháp cứng rắn trừng phạt Trung Quốc. Các ý kiến cho rằng, như vậy Trung Quốc đã không tôn trọng những cam kết với người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế về quyền tự trị của Hong Kong 50 năm cho đến năm 2047. Các cam kết đó được ghi trong Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 và đã được đăng ký với Liên hợp quốc năm 1985, văn kiện này được coi như một hiệp ước song phương quốc tế. Luật cơ bản về Đặc khu Hong Kong thông qua năm 1990 cũng có nội dung tương tự và được coi là "Hiến pháp" của Đặc khu.
Mặc dù Luật mới quy định nhằm vào 4 tội danh cụ thể, nhưng một số nước vẫn quan ngại rằng chính quyền Trung Quốc sẽ có lý do can thiệp và kiểm soát các lĩnh vực khác của Hong Kong. Nhiều nhà tư bản Hong Kong không chấp nhận sự kiểm soát của Đại lục có thể ra đi. Tình hình đó sẽ khiến làm ảnh hưởng đến vai trò trung tâm kinh tế tài chính của châu Á và thế giới của Hong Kong. Nếu tình huống này xẩy ra chắc chắn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nước khác.
Cũng cần tính đến một lý do khác khiến Mỹ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Hong Kong là nó diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược hai nước đang ở giai đoạn khá gay gắt, cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ đang đi vào giai đoạn đầy kịch tính.
Trước đó Mỹ đã ban hành "Luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong", nay lại sắp thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc về vấn đềHong Kong. Đồng thời Mỹ cũng bắt đầu loại bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong, dừng xuất khẩu thiết bị quân sự và hạn chế việc tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao đối với Hong Kong, vì lý do an ninh, không để các thiết bị quân sự và sản phẩm công nghệ cao rơi vào tay Trung Quốc.
Ngoài Mỹ ra, một số nước phương Tây cũng đã đưa ra các biện pháp cứng rắn,chủ trương hỗ trợ người Hong Kong đến tỵ nạn v.v...Chắc chắn Trung Quốc đã tiên lượng được điều này nhưng không tìm ra sự lựa chọn khác.
Đặc khu Hành chính Hong Kong, Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Theo luật định, còn 27 năm nữa mới có thể xóa bỏ ranh giới giữa Hong Kong với Đại lục. Nhưng nếu tất cả mọi lĩnh vực (trừ quốc phòng và ngoại giao) để cho chính quyền Đặc khu tự quản lý, liệu Hong Kong có phát triển được theo chiều hướng Trung Quốc mong muốn hay không?
Một Hong Kong mất ổn định về kinh tế, về xã hội, và nguy hiểm hơn nữa là một Hong Kong đang quen với lối sống dân chủ phương Tây rất có thể nổi lên tư tưởng ly khai, đòi độc lập với Đại lục. Một Hong Kong như vậy sẽ là một gánh nặng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và ranh giới giữa Đặc khu với cả nước đến bao giờ mới xóa được? Trung Quốc biết rằng, cái giá phải trả hôm nay dù thế nào cũng sẽ thấp hơn lợi ích thu được từ việc kiểm soát vững chắc Đặc khu này. Nói cách khác, giữa hai kịch bản xấu, người ta phải lựa chọn kịch bản đỡ xấu hơn.
-------------------------------------------------
Nhà Ngoại giao Nguyễn Vinh Quang -Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyên Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Ông có nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề của Trung Quốc. Hiện nay là Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD).
Nhận xét
Đăng nhận xét