Không thể xuyên tạc và bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chỉ cần hiểu đúng về lịch sử, viết đúng sự thật lịch sử thì mỗi người đều nhận thấy rất rõ rằng, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách và "tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thoả mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, nghèo khổ và phân biệt đối xử"[1].
ĐỪNG LÀM NHỮNG VIỆC TRÁI VỚI LƯƠNG TÂM MÌNH
Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và Quốc khánh (2/9) thì diễn đàn mạng lại "sôi nổi" các bài viết, phát biểu nhằm xuyên tạc, bôi nhọ và "hạ bệ thần tượng" Hồ Chí Minh thông qua các sự kiện lịch sử được nhìn nhận một cách méo mó, cắt cúp có chủ ý. Đó chính là một trong những mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch.
Đọc các bài viết theo kiểu tung tin tạo sóng ngầm trong biển này, có thể thấy:
1) Vũ Đông Hà không chỉ thiếu trái tim mà bộ óc cũng có vấn đề khi vu khống và bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam, không có bệnh "cuồng lãnh tụ" và cũng không có "đám đông cuồng lãnh tụ" như đơm đặt mà chỉ có một điều cần phải khẳng định: "Sau cuộc bể dâu" của thân phận nô lệ, mỗi người dân Việt Nam yêu nước khi nhìn lại dòng sông "cuồng nộ" như Vũ Đông Hà đã viết trong bài và ký ức lầm than đã trải qua lại càng trân quý hơn con đường cứu nước đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nỗ lực của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc.
2) Sơn Nghị không chỉ khập khiễng khi suy diễn so sánh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thành Cát Tư Hãn, Trần Hưng Đạo mà còn bôi nhọ Người khi nhận định sai và quy kết sự kiện Phan Bội Châu bị bắt và cái chết của cụ Huỳnh Thúc Kháng thời kỳ nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp có liên quan đến Người; sự kiện Người đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945... Sơn Nghị thật nông nổi khi suy diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì Người không khi nào và không bao giờ "tự đánh bóng" mình khi xưng là Cha già dân tộc, lại càng không khi nào mạo xưng mà luôn khiêm nhường, gần gũi và uyển chuyển trong từng cách xử thế.
Với đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?; lần khác Người nói: Hỡi đồng bào cả nước, Thưa đồng bào hay Thưa đồng bào yêu quý… Với những người như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Người gọi là tiên sinh; với giám mục Lê Hữu Từ, Người gọi là ngài; với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là cụ; với Chủ tịch Quốc hội, Người gọi là cụ Chủ tịch…Còn chữ Già Hồ lần đầu tiên xuất hiện là trong bài viết Tết trung thu với nền độc lập ngày 17/9/1945: "Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái". Không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh tự xưng với cả dân tộc mà là mọi người dân Việt Nam kính yêu Người và gọi Người là Cha già dân tộc.
3) Nguyễn Thị Cỏ May và Lâm Văn Bé, Nguyễn Thị Cỏ May đã xuyên tạc, bôi nhọ, nói láo, phủ nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn được UNESCO vinh danh. Bởi rằng, chỉ có những người vô lương tâm, vô đạo đức mới bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX, Người từng được UNESCO vinh danh kép là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn.
Trên thực tế, không ai có quyền nghi ngờ Nghị quyết 24C/18.65 phiên họp Đại hội đồng lần thứ 24 (20/10 - 20/11/1987) của UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá lớn nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890). Văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc này đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Lại càng không ai có quyền phủ nhận việc Ðại Hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người". Đồng thời, đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam"[2]…
4) Trần Gia Phụng không chỉ lộ rõ sự hằn học mà còn bẻ cong ngòi bút của mình khi cố tình suy diễn và cắt cúp thông tin có chủ ý xấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi "Kết luận: Hồ Chí Minh = Tội đồ dân tộc". Trần Gia Phụng từng là người dạy môn Lịch sử và Địa lý mà lại không phân tích nguồn sử liệu một cách khoa học để rồi vội quy kết, gieo giắc thứ "gió độc" bằng những ngôn từ quy chụp nhằm kích động và gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Song có thể nói rằng, thời gian càng lùi xa, mỗi người càng có thời gian để chiêm nghiệm, để cảm nhận sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đó chính là "những người trên thế giới này, ngay trong một nước cũng như từ nước này sang nước khác, có bao nhiêu điều không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về cảnh ngộ sống, về trình độ hiểu biết, về xu hướng chính trị, xã hội hay tôn giáo; nhưng miễn là không phải bọn áp bức bóc lột, bọn xâm lược và tay sai của chúng, thì mỗi người đều có thể thấy ở cuộc chiến đấu và cuộc sống của Hồ Chủ tịch, những điều mà mình hàng ngày mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khao khát muốn vươn tới”[3].
Tất cả những luận điệu suy diễn, bịa đặt, quy chụp và xuyên tạc... nêu trên là suy nghĩ và hành động của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa - những kẻ lừa mị nhân dân, đổi trắng thay đen hòng làm nhụt đi lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Những kẻ này đã không nhận thức được rằng, với Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930), đó là "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[4]. Đồng thời, kiên định con đường đó, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã nỗ lực vượt mọi gian khó, từng bước giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng trong 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Vì thế, dã tâm đen tối, thiển cận của những người nhân danh yêu nước, giả danh yêu nước, giả danh dân chủ, dân chủ cuội kiểu phản dân, hại nước như Sơn Nghị, Vũ Đông Hà, Lâm Văn Bé, Nguyễn Thị Cỏ May, Trần Gia Phụng bộc lộ trong những bài viết nêu trên đã bị vạch trần. Chủ đích gây tâm lý hoang mang, kích động người dân, chống Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam của các người thật là lố bịch.
HỒ CHÍ MINH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song dấu ấn Người để lại trong thế kỷ XX thật đặc biệt. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị với bản Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 cho đến khi từ biệt thế giới này năm 1969 và hơn 50 năm sau khi Người đi xa, những nghiên cứu, đánh giá trong các trang viết, bài phát biểu về Người dường như vẫn cứ nối dài mãi. Bao nhiêu năm qua, từ tận đáy lòng, từ trái tim đồng cảm, từ sự nghiên cứu khoa học và khách quan, sâu sắc, thế giới viết về Người, Việt Nam viết về Người vẫn là những ghi nhận sự cống hiến, tấm gương đạo đức cách mạng… với những lời hay nhất, đẹp nhất, xúc động nhất.
Cho nên, còn những ai đang băn khoăn, chưa hiểu đúng hay thậm chí cố tình không hiểu đúng về Chủ tịch Hồ Chí Minh; cố tình xuyên tạc, phủ nhận, bịa đặt và bôi đen về Người có thể và rất cần phải biết những vấn đề trọng tâm này:
Một là, những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đầy đủ trong các cuốn tiểu sử, các công trình nghiên cứu chuyên khảo, tham khảo (từ vài trăm trang cho đến gần trăm trang, vài trang; từ bản tóm tắt đến bản đầy đủ) được công bố rộng rãi bởi các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học về lịch sử, lịch sử Đảng, về Hồ Chí Minh, chính trị học… đầu ngành ở cả trong nước và quốc tế…. Vì thế, đừng nhân danh ai để bám chấp vào những thông tin sai, thông tin một chiều, không được kiểm chứng để lúc này, lúc khác, tháng này tháng khác, năm này năm khác "bổn cũ soạn lại" vạch vòi, bêu riếu, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng nông nổi và suy diễn với kiểu áp đặt để nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh có họ Hồ chứ không phải họ Nguyễn; thân thiết với làng Chùa quê ngoại chứ không phải làng Sen quê nội; có vợ và có con… bởi đó là những thông tin bịa đặt, được thêu dệt, cắt xén có chủ ý từ những thông tin lệch chuẩn, không được kiểm chứng. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau thì cũng chỉ có một sự thật, đó là những thông tin chính thống đã được công bố, chứ không phải là những thông tin vỉa hè nhằm kích động và câu like. Thế giới có thể đổi thay, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cuộc đời Người thực sự là một tấm gương đạo đức và nhân cách thanh cao của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân và “Người được yêu mến, khâm phục và kính trọng trên toàn thế giới”[5], bởi rằng, "tuy thuộc nhân dân Việt Nam, Người vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”[6].
Hai là, Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ, là ánh sáng soi đường… Người là sự kết tinh những gì ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống, cốt cách và bản lĩnh, bản sắc và tinh hoa văn hoá, lương tâm và khí phách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam vốn là một dòng chảy liên tục; trong dòng chảy đó, nhân dân ta luôn khát khao một đất nước được hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân được ấm no, hạnh phúc và những khát vọng lớn lao đó chỉ trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Thực tế là, trước mùa xuân năm 1930, trong đêm tối mịt mù của thân phận nô lệ, chịu sự bóc lột tàn khốc của chế độ thực dân, đã có rất nhiều phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của các vị tiền bối cách mạng và nhân dân ta vẫn trào dâng, song chưa thể làm cho dân tộc được giải phóng, nhân dân được tự do. Tinh hình đất nước khi đó như đêm tối mà chưa có đường ra; và khi ấy, nếu không có một người thanh niên yêu nước và đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân ngày 5/6/1911, thì cũng sẽ không có một con đường đi đúng của dân tộc Việt Nam trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do.
Hồ Chí Minh từ một người yêu nước tiến bộ đã không chỉ đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (Đại hội Tua, 1920), người cộng sản Việt Nam đầu tiên - người Việt Nam yêu nước đầu tiên tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc; là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam, đào tạo một thế hệ cán bộ cách mạng được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 mà còn trực tiếp lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1945-1975) vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất…
Ba là, một lãnh tụ yêu nước và thương dân, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không thể và không khi nào có một chủ trương, một "chính sách phản dân, hại nước" và càng không có "tham vọng vĩ cuồng của lãnh tụ". Chỉ có một sự thật là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu"[7] và “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[8]…
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, của tình thương yêu và lòng khoan dung, nhân ái mà “gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất thảy điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm, thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo"[9]. Vì thế, đúng là "trong bóng đêm thuộc địa, trong cơn khô khốc của khát vọng độc lập dân tộc", khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường cứu nước của Người, ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam do Người đứng đầu giương cao chính là "chiếc phao giữa đại dương tuyệt vọng", đã hấp dẫn và quy tụ quần chúng nhân dân đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp; đã cổ vũ mọi người dân Việt Nam yêu nước ủng hộ, tin tưởng và đi theo Đảng, kiên trì đấu tranh cách mạng, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX.
Lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử thế giới hiện đại ghi nhận rằng, một nước Việt Nam mới ra đời sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 không chỉ đem lại vị thế làm chủ, là chủ cho mọi người dân Việt Nam mà còn là minh chứng sinh động cho con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế của thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên toàn thế giới đều ghi nhận những cống hiến của Người đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, góp phần để mỗi người được thụ hưởng những giá trị cao cả nhất của quyền con người như Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã nêu chứ không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã "dùng vỏ bọc "Ái Quốc" mang họ Nguyễn… và tấm khiên đóng dấu "Giải phóng Dân tộc" đã bịt mắt, che tai tất cả" để "bênh vực, biện hộ cho mọi sai trái của lãnh tụ bằng mọi giá" như những gì các người đã bịa đặt, vu khống.
Bốn là, dù tiếp cận ở chiều cạnh nào và bằng các nguồn tư liệu nào (ở đây cần tính chính xác, minh bạch của nguồn dẫn) thì các chính khách, giới nghiên cứu ở trong và ngoài nước, ở các nước xã hội chủ nghĩa cho đến tư bản chủ nghĩa, người Việt Nam ở trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài… cũng đều đánh giá và khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - người đã nỗ lực hết sức mình phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc và ấm no của nhân dân Việt Nam; là người chiến sĩ cộng sản quốc tế thủy chung, trong sáng, luôn đấu tranh cho hòa bình, tự do và công lý, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; người là mẫu mực của tấm gương người chiến sĩ cộng sản hết lòng vì nước, vì dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"[10]. Hơn thế nữa, "Hồ Chí Minh thuộc về tương lai, vì Hồ Chí Minh đã tạo ra tương lai vĩ đại ấy... Người là một người làm nên lịch sử hiện đại. Người đã trở thành một nhà kiến trúc và tạo hình của quá trình cách mạng thế giới trong thời kỳ có tính chất bùng nổ nhất ... Người đã trở thành ngọn đèn biển soi sáng đường đi cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới... Có lẽ hơn bất kỳ người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc mình và đối với cả thế giới, Hồ Chí Minh là hiện thân của cách mạng... Người là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng yêu nhất của thời đại chúng ta"[11].
Năm là, thời gian có thể đổi thay, song tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta trên hành trình đi đến tương lai. Bởi rằng, “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”[12] đã soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi và đó chính là tài sản tinh thần to lớn của Đảng ta, dân tộc ta.
Hơn 90 năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) và tròn 75 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục soi sáng con đường đi đến tương lai của dân tộc Việt Nam. Tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng và phong cách của một vị lãnh tụ gần dân, luôn yêu thương và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mong muốn giải quyết những yêu cầu, bức xúc của nhân dân vẫn hiển hiện qua những câu chuyện kể, những hồi ký, những mảng ký ức không thể phai mờ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và thế giới; của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế - những người từng được gặp gỡ, nói chuyện, làm việc cùng Người…
Ngắn gọn thế để khẳng định rằng, mỗi một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đều gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng Cộng sản Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thời đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần Việt, ý chí và khát vọng Việt trào dâng, nỗ lực đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi người dân Việt Nam yêu nước đều thấu hiểu sâu sắc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ xuất thân từ nhân dân, đau cùng nỗi đau nước mất nhà tan với nhân dân, nung nấu một lòng yêu nước nồng nàn, một khát vọng giải phóng đồng bào khỏi những năm tháng bị đọa đầy đau khổ, nên với Người, không có gì là của riêng mà chỉ có hết lòng vì nước, vì dân.
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng hành động và phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa ra, hoà nhập với pháp luật và chính trị, kết hợp giữa đức trị và pháp trị, chính là “chính trị cách mạng trong đạo đức” và “soi sáng chính trị từ bên trong” chứ không giống như những gì các nhà dân chủ cuội xuyên tạc. Thời gian càng lùi xa, những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên có ý nghĩa và giá trị lớn lao. Nó cho thấy, khi suy luận thiếu căn cứ khoa học, phi sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh là chính các người đã xúc phạm vào niềm tin yêu, sự kính trọng của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Người. Và cũng vì thế, hãy đừng làm những điều trái với lương tâm, đạo lý và sự thật!
TS. Văn Thị Thanh Mai
-------------
[1] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1970, t.1, tr.75
[2] Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản dịch của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, tháng 7/2009, tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[3] Phạm Văn Đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa khí phách của dân tộc, lương tri của thời đại, Báo Nhân dân, 19/5/1970
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1
[5] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.41
[6] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.43
[7] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 1, tr. 94
[8] T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.11
[9] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.130
[10] Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969
[11] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1990, tr.19- 20
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.633
Nhận xét
Đăng nhận xét