Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang
Ngày 7/10/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với Phạm Đoan Trang (tên thật là Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Ngay lập tức, một số tổ chức núp bóng nhân quyền như “Phóng viên không biên giới” (RSF), “Theo dõi nhân quyền thế giới” (HRW), “Ân xá quốc tế” (AI)... đã lớn tiếng phản đối và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang. Vậy, sự thật đằng sau những lời kêu gọi này là gì?
Những tuyên bố, lời kêu gọi vô căn cứ
Ngày 7/10, tổ chức RSF đã ra thông cáo báo chí kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang. Thông cáo báo chí của RSF đã cố tình xuyên tạc rằng “vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam”.
Không những vậy, thông cáo báo chí của RSF còn dẫn lời ông Christian Mihr - Giám đốc điều hành RSF với những lời lẽ ngang ngược, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi cho rằng: “Tội bị cáo buộc của bà, thật ra chỉ là phổ biến những thông tin độc lập và tạo điều kiện cho đồng bào của bà thực hiện các quyền của người dân được bảo đảm bởi Hiến pháp. Bà Trang không thể bị tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức”.
Cổ súy cho những luận điệu của RSF, tổ chức “Theo dõi nhân quyền quốc tế” (HRW) cũng đưa ra những lời lẽ xuyên tạc khi trích lời của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW rằng: “Phạm Đoan Trang đã dấn thân để tìm cách giải thích cho các công dân Việt Nam về những quyền hạn của chính họ, đúng theo Hiến pháp Việt Nam”.
Không những vậy, Phó Giám đốc HRW còn tìm cách cổ vũ cho những hành vi chống Nhà nước Việt Nam của Phạm Đoan Trang bằng những giọng điệu hết sức ngang ngược: “Phản ứng như thiêu đốt của Việt Nam đối với bất đồng chính kiến được trưng bày cho tất cả mọi người xem với vụ bắt giữ blogger và tác giả nổi tiếng Phạm Đoan Trang.
Trong khi đó, với một tuyên bố mang nặng tính định kiến, thiếu khách quan có tiêu đề “Việt Nam: Nhà vô địch nhân quyền bị bắt, có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng”, tổ chức “Ân xá quốc tế” (AI) đã lớn tiếng xuyên tạc rằng: “Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Bà là một nhân vật hàng đầu cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà hoạt động trẻ lên tiếng vì một nước Việt Nam công bằng, hội nhập và tự do hơn”.
Phạm Đoan Trang có phải “nhà bất đồng chính kiến” hay “nhà hoạt động nhân quyền”?
Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình cơ bản, Phạm Đoan Trang từng tốt nghiệp trường Hà Nội - Amsterdam và Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau khi ra trường, Phạm Đoan Trang làm phóng viên cho báo điện tử Vnexpress trong 2 năm, sau đó làm nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, nhân viên Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên báo Vietnamnet và có gần 3 năm làm phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, do xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên Phạm Đoan Trang đã bị cơ quan chủ quản kỷ luật buộc thôi việc.
Trong chuyến xuất cảnh trái phép này, Phạm Đoan Trang đã được một số đối tượng chống đối chính quyền dẫn dắt, móc nối, lôi kéo và đưa Phạm Đoan Trang bắt đầu hành trình trượt dài trên con đường tội lỗi. Trở về nước, Phạm Đoan Trang trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, đồng thời đứng sau lôi kéo lập nhóm “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương”, lợi dụng danh nghĩa biểu diễn ca nhạc, bảo vệ môi trường để tụ tập, trình diễn ca khúc thời Việt Nam cộng hòa, khuếch trương lực lượng chống đối trong nước, tập hợp lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ.
Phạm Đoan Trang cũng lập và điều hành các trang mạng “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, viết, tán phát nhiều bài viết, cuốn sách có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Phạm Đoan Trang đã viết, tán phát bất hợp pháp nhiều cuốn sách có nội dung chính trị xấu như: “Cẩm nang truyền thông”, “Từ Facebook xuống đường”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”... Đây là những cuốn sách có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc thể chế chính trị Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; hướng dẫn cách thức hoạt động chống chính quyền, “bất bạo động”, cách thức đối phó với các cơ quan thực thi pháp luật; kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ ở Việt Nam.
Phạm Đoan Trang cũng là thành viên cốt cán của tổ chức “VOICE” (một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân). Phạm Đoan Trang được số đối tượng cầm đầu tổ chức “VOICE” giao phụ trách nhân sự, trực tiếp tuyển lựa, duyệt người trước khi đưa ra nước ngoài để huấn luyện, đào tạo cách thức hoạt động chống phá chính quyền. Phạm Đoan Trang cũng là một trong những người sáng lập và duy trì hoạt động của “Nhà xuất bản tự do” - một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động “chui”, chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Một người được sinh ra trong gia đình cơ bản, thế nhưng đã không biết sử dụng trí tuệ của mình vào việc chính đáng, lại thường xuyên viết, tán phát các bài viết, cuốn sách có nội dung tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, kêu gọi biểu tình lật đổ chế độ. Vậy, thử hỏi đó là một “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà hoạt động nhân quyền”, hay là một kẻ phạm tội, vi phạm pháp luật đúng nghĩa?
Ý đồ đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang
Phạm Đoan Trang đã có những hành vi đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Những hành vi trên của Phạm Đoan Trang vi phạm pháp luật như thế nào, đến đâu sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ. Việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở đối với Phạm Đoan Trang là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có thể thấy rằng, ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, những kẻ vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người “bất đồng chính kiến”, “người hoạt động nhân quyền” như những luận điệu mà RSF, HRW, AI đưa ra.
Một lần nữa, những “con rối” đội lốt nhân quyền như RSF, HRW, AI lại núp bóng “nhân quyền” đưa ra những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan và định kiến, thù địch về Việt Nam. Việc đưa ra những tuyên bố sai sự thật trên thực chất là một sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Không những vậy, việc làm này còn thể hiện ý đồ của các tổ chức đội lốt “nhân quyền”, đó là cố tình bảo vệ, hà hơi, tiếp sức cho Phạm Đoan Trang cũng như các đối tượng chống đối chính quyền khác. Họ cố tình xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những người “bất đồng chính kiến” nhằm làm cho các quốc gia, tổ chức, cộng đồng thế giới hiểu sai về quan điểm, chính sách của Việt Nam, hạ uy tín của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
Nguyễn Sơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét