KHÔNG ĐƯỢC VIN VÀO SAI PHẠM CỦA MỘT SỐ CÁ NHÂN ĐỂ PHỦ NHẬN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Những ngày qua, lợi dụng sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương trong quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh và một số sai phạm của một số cá nhân. Trên các trang mạng xã hội, các lực lượng phản động ra sức xuyên tạc, bóp méo vấn đề, đổ lỗi, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Trong bài viết “Đây là lý do tại sao “họ” vẫn nhất định “định hướng XHCN”, với cái nhìn phiến diện, thái độ chống đối, Trần Văn đã cố tình quy chụp sai phạm của bà Thoa và một số cá nhân khác là do kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không chỉ thể hiện sự hằn học, chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ, mà còn cho thấy sự hiểu biết nông cạn của Trần Văn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Thứ nhất, sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa và một số cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước không phải do thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nét ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là việc đem thành quả của tăng trưởng kinh tế đến với mọi người bằng cách không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm tốt các vấn đề công bằng, bình đẳng xã hội. Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm thiết lập kỷ cương trong hoạt động kinh tế, phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng vi phạm pháp luật và làm sai chính sách, bảo vệ tài sản quốc gia và lợi ích của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế và từng bước thực hiện công bằng xã hội, chứ không phải dung túng, bao che cho những hành vi sai trái, không phải là nguyên nhân sinh ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản Nhà nước như sự vu khống, bịa đặt của Trần Văn. Hiện nay nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên những hạn chế, tiêu cực là không tránh khỏi. Nhưng đó không phải là mong muốn của Đảng và Nhà nước, không phải là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những sai phạm đó là do những yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, những yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp…
Vì vậy, không thể đổ lỗi cho sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa và một số cá nhân là do kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi đi đến phủ nhận toàn bộ thành quả mà quá trình thực hiện mô hình này mang lại đối với sự phát triển của đất nước ta.
Thứ hai, thành tựu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam những năm qua là không thể phủ nhận
Nếu có cái nhìn khách quan, không định kiến, đều thấy rằng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, vừa phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 5,9%/năm; quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.700 USD năm 2020. Kinh tế Việt Nam là 1/16 nền kinh tế mới nổi, đạt hiệu quả cao, nhất là khi thế giới đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, hàng trăm quốc gia tăng trưởng âm, thì Việt Nam trở thành hiện tượng của tăng trưởng kinh tế; Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 – 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do; cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều coi Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Với mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. An sinh xã hội những năm qua ngày càng được cải thiện; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm và mang lại kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (1993) xuống dưới 3% (2020) theo chuẩn nghèo đa chiều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền kinh tế của Việt Nam đã khắc phục được rất nhiều hạn chế của kinh tế thị trường tự do. Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hiệu quả định hướng, điều hành của Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế-xã hội so với nhiều quốc gia khác và đã được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trên thế giới và khu vực đánh giá cao.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang lựa chọn và phát triển là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật của thời đại và tình hình thực tiễn Việt Nam. Mặc dù còn những hạn chế, nhưng những thành tựu mang lại là không thể phủ nhận. Nên, việc chỉ nhìn vào sai phạm của một số cá nhân trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại với thực tiễn của Việt Nam, cần phải nhận diện, lên án và bác bỏ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét