Phải chăng “Nhà nước Việt Nam không có sự phân công, phân quyền”?
Ở nước ta hiện nay, việc phân công, phân cấp được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội. Cùng với việc phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, Nhà nước cũng khuyến khích mọi người dân tham gia ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để Nhà nước thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành; vẫn còn những luận điệu lợi dụng vấn đề này để quy kết những hạn chế của đất nước hiện nay là do “chính quyền Nhà nước không có sự phân công, phân quyền”. Trên trang mạng xã hội, trong bài “Học thuyết tập quyền XHCN”, bên cạnh tung hô những phần tử lợi dụng tự do báo chí chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã bị xét xử theo pháp luật, Phú Nhuận đã cố tình gán ghép những hạn chế của đất nước như: Ô nhiễm môi trường, tham nhũng, bộ máy hành chính cồng kềnh… là do chính quyền Nhà nước không có sự phân công, phân quyền. Điều này cho thấy, Phú Nhuận là người không hiểu biết về Nhà nước, về Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Thứ nhất, sự phân công, phân cấp của chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp.
Sự phân công thực thi quyền lực Nhà nước đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các Hiến pháp Việt Nam năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Hiến pháp năm 2013 khẳng định cách thức tổ chức quyền lực và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ta: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định rõ: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân nhân thực hiện quyền tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Những quy định này tạo nên cơ chế phân công thực thi quyền lực nhà nước theo chiều ngang được thực hiện thông qua các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các thiết chế (Chủ tịch nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước), nhằm tạo nên cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy mà Phú Nhuận lại hồ đồ khẳng định “Hiến pháp năm 2013 không xác định rõ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là cơ quan nào”. Điều này cho thấy Phú Nhuận đã không hiểu biết gì về Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam, mà chỉ biết phụ họa theo luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch, phản động.
Thứ hai, sự phân công, phân cấp của chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã được thực hiện trên thực tế, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước.
Từ những quy định của Hiến pháp và pháp luật, sự phân công, phân cấp của chính quyền nhà nước được thực hiện ngày càng rõ và mang lại hiệu quả, các cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được nâng lên, cơ chế vận hành có nhiều thay đổi, đặc biệt là từ năm 1986 đến nay, mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương với địa phương ngày càng được quy định cụ thể và chặt chẽ. Bộ máy nhà nước được xây dựng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện; Chính phủ được sắp xếp lại các đầu mối, làm tốt chức năng quản lý vĩ mô, khả năng quản trị tốt hơn; hoạt động tư pháp được quan tâm đổi mới và hoạt động có hiệu quả. Nhà nước đủ năng lực đóng vai trò hướng dẫn, quyền tự chủ của địa phương được đề cao. Các quan hệ xã hội được cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi trên thực tế. Quyền dân chủ của người dân được đảm bảo. Các chủ thể trong xã hội bình đẳng trước pháp luật, được làm những điều pháp luật không cấm.
Cơ chế kiểm tra, giám sát được thực hiện hiệu quả hơn. Những kết quả trong việc phân công, phân quyền thực thi quyền lực nhà nước góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội; mà thành tựu của đất nước đạt được, đặc biệt là sau gần 35 năm đổi mới. Thực tiễn đó là bằng chứng rõ ràng và đanh thép đập tan những luận điệu xảo trá của Phú Nhuận khi cho rằng: “ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thủ tục hành chính rườm rà là do chính quyền Nhà nước Việt Nam không có sự phân công, phân quyền rõ ràng”.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, sự phân công, phân cấp trong bộ máy Nhà nước ta là rõ rang và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, chứ hoàn toàn không như sự xuyên tạc của Phú Nhuận. Vì vậy, mỗi người dân một mặt cần tích cực tham gia tham gia xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mặt khác, nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xuyên tạc, nói xấu và chống phá nhà nước./.
Nhận xét
Đăng nhận xét