Không thể bôi nhọ và chống Đảng

 


Lâu nay các luận điệu phản động của Đ. N. xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội. Càng ngày, Đ. N. càng lộ rõ dã tâm chống Đảng của mình. Trước Đại hội XIII của Đảng, Đ. N. cũng liên tục cào bàn phím, sau khi Đại hội kết thức, Đ. N. lại tiếp tục.

1. Bài viết “Không cải cách thể chế thì đừng mong đến sự đột phá nào” đăng trên nhatnguyet2014. WordPress.com (26/1.2021) và chantroimoimedia.com (27/1.2021) đã cho thấy chủ ý bôi nhọ Đảng, xuyên tạc lịch sử Đảng của Đ. N. khi y cho rằng:

–  “Trao quyền lực cho người ngoài đảng thì ĐCS sẽ không chấp nhận, vậy nên họ phải luôn bám vào chính sách “hồng hơn chuyên” bao lâu nay như là một giải pháp để duy trì quyền lực cho ĐCS. Thà hy sinh quyền lợi quốc gia chức dứt khoát không hy sinh quyền lợi của đảng”.

–  “ĐCS không muốn dùng những tài năng đó vì sợ họ sẽ làm lu mờ hình ảnh người đảng viên và từ đó vị trí của ĐCS không còn vững nữa. Thà chấp nhận đảng viên xuyên tạc lịch sử này còn hơn là để những kẻ ngoài đảng xây dựng đất nước tốt đẹp”.

–  “Bộ máy chính quyền cộng sản nó là nơi không thể dung nạp những nhà kỹ trị có năng lực, có tâm, có tầm. Nếu muốn tồn tại trong bộ máy ĐCS, những người ấy hoặc tự ra khỏi bộ máy hoặc phải vứt bỏ những giá trị sẵn có để tiếp thu những thủ đoạn, những thói gian manh của người cộng sản”…

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, tất cả những điều Đ. N. nêu trên là không đúng sự thật; là sự bịa đặt, xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách sử dụng hiền tài của đất nước; là sự bôi nhọ đầy định kiến yêu cầu rèn đức, luyện tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

2. Người cộng sản như V.I. Lênin khẳng định là những người có phẩm chất đạo đức cách mạng và đạo đức đó “phải hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”. “Đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”, là đạo đức “để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản”[1].

Người cộng sản/người cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu lànhững người “làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân”[2]. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, vì thế, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”[3] và “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[4]. Đặc biệt, “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”[5]

Thực tế hơn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng, từ khi còn hoạt động bí mật đến khi trở thành Đảng cầm quyền/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn nỗ lực rèn luyện theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện đúng Điều lệ Đảng chứ không phải/không giống như những điều vu khống mà Đ. N. quy kết: “Người CS không thể gột bỏ tính tham lam, ích kỷ bởi vì nó thuộc về đặc tính “di truyền” của đảng. Người CS nhìn các chức vụ trong bộ máy nhà nước họ thấy ngay một miếng bánh ngon chứ họ không bao giờ xem đó là nơi để để họ cống hiến tài năng cho đất nước”.

3. Đ. N. bịa đặt! Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng về mọi mặt để trở thành những người đủ tài và đủ đức, vừa hồng và vừa chuyên và Người cũng nhấn mạnh rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Vì thế, Người yêu cầu đức và tài phải gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách của người cách mạng. Trong mối quan hệ đó, “đức phải có trước tài” và đức là “gốc”. Người từng nói, có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước”, song “có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”, chứ không phải như Đ. N. xuyên tạc rằng, ““Hồng hơn chuyên” là một thành trì không ai có thể phá vỡ. Nguyên tắc đặt quyền lợi ĐCS lên trên quyền lợi quốc gia đã làm cho ĐCS không dám tự tin chọn người tài trong 92 triệu người ngoài đảng”.

Trong Đảng, công tác cán bộ luôn được chú trọng và đổi mới để đáp ững yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ, đảng viên đều có cơ hội và điều kiện phấn đấu, ai đủ tín nhiệm sẽ được lựa chọn, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm… chứ Đảng không phải là cái chợ, nên không có/không bao giờ có chuyện “trong nội bộ đảng, người CS còn đánh nhau đến chết để giành ghế thì làm sao họ chia sẻ ghế ấy cho những người ngoài đảng được?” như Đ. N. bịa đặt.

Ở Việt Nam từ khi nước nhà mới giành được độc lập, quốc hiệu là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến ngày nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lịch sử Việt Nam từng ghi nhận có rất nhiều người vốn không là đảng viên cộng sản vẫn được trao những trọng trách trong các cơ quan công quyền. Đ. N. hoặc không thuộc lịch sử dân tộc hoặc mù mịt trong định kiến mà quên mất những cái tên: Cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… đã được ghi trong sử sách. Các vị ấy cũng là người ngoài Đảng đó Đ. N., nên đừng có kích động nhân tâm khi viết “thà chấp nhận đảng viên phá nát đất nước này còn hơn là để những kẻ ngoài đảng xây dựng đất nước tốt đẹp. Đảng không nhìn ra đó là điều tốt cho đất nước mà đảng chỉ nhìn thấy mối nguy cho mình thôi”.

4. Để xứng đáng với vai trò tiền phong, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên tự chỉnh đốn và đổi mới. Công tác cán bộ của Đảng cũng ngày càng đổi mới để lựa chọn được những cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan Đảng, nhà nước, trong hệ thống chính trị… Thực tế, thành công của Đại hội XIII về công tác nhân sự là một ví dụ.

Về Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì gần nhất, để chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. Trong đó, có dự kiến cụ thể số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương. Cụ thể, cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu là 73 đại biểu (14,6%) và đây là cơ cấu linh hoạt để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm căn cứ giới thiệu người ứng cử tiêu biểu, gồm đại diện các ngành lao động, thương binh – xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa – nghệ thuật, khoa học – công nghệ; đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên… Trong cơ cấu này, cần chú trọng yêu cầu phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và người tự ứng cử.

Đương nhiên, công tác cán bộ cũng vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, song không thể “vì một vài hạt sạn mà đổ cả nồi cơm”. Vì thế, cũng không thể và không nên chỉ vì một vài hiện tượng chưa đúng trong công tác cán bộ mà Đ. N. lại quy kết “với một bộ máy nhà nước toàn là những cậu ấm cô chiêu có lý lịch đỏ, tự bên trong nó sẽ kéo bè kết cánh tạo nên các nhóm lợi ích như là điều tất yếu. Một bộ máy như vậy tự nó sẽ loại bỏ thành phần ngoài đảng nào nếu lỡ chân bước vào” và “nếu muốn tồn tại trong bộ máy ĐCS, những người ấy hoặc tự ra khỏi bộ máy hoặc phải vứt bỏ những giá trị sẵn có để tiếp thu những thủ đoạn, những thói gian manh của người CS”.

Cuối cùng, nhắc lại với Đ. N. rằng, đổi mới để phát triển và Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn sẽ/luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng chứ không phải như Đ. N. gieo giắc nghi ngờ, kích động nhân tâm thế này: “Bộ máy chính quyền CS nếu muốn dung nạp được những tài năng ngoại đảng, thì tự đảng phải thay đổi còn buộc những tài năng đó thay đổi thì bản thân họ đã đánh mất mình và biến thành kẻ phá hoại đất nước như những người CS khác mà thôi”.

Hơn nữa, cũng không có câu chuyện “Việt Nam đã phải đắng cay thừa nhận mục tiêu năm 2020 thất bại” và “nó đang xây dựng trên nền chính trị vừa thối nát vừa bảo thủ” mà chỉ có một Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc!

Chỉ có một Việt Nam kiên cường, bản lĩnh, đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ từng bước vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng…; để Việt Nam không chỉ trở thành một “điểm sáng” trong quá trình thực hiện phòng và chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, chất lượng mà còn tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng vào những ngày đầu năm 2021!.

Trần Phụng Hoàng Nhi


[1] V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.41, tr.372

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.292

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64-65

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290-291

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM