Cảnh giác trước “đại dịch” tin giả

 Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, tình trạng tin giả về vấn đề này gây nhiễu loạn trên internet, mạng xã hội cũng trở thành “đại dịch” nguy hiểm, đáng sợ không kém dịch bệnh.

Ảnh minh họa

TIN GIẢ “NỐI GIÁO CHO GIẶC”

Mới đây nhất trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin như: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới và kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa; lãnh đạo thành phố bị mắc COVID-19; các bệnh viện tại thành phố quá tải do số lượng bệnh nhân COVID-19 quá đông; trước đó vào tối 18-5-2021 là thông tin về “chỉ đạo mới của UBND Thành phố”…. Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã khẳng định những thông tin trên đều là thất thiệt, sai sự thật, xuyên tạc.

Không phải chỉ với Thành phố Hồ Chí Minh mà ở hầu khắp các địa phương đều có xuất hiện của “đại dịch” tin giả, tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Cơ quan chức năng của Bộ Công an cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay, trên không gian mạng đã có rất nhiều thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đã có hàng nghìn trường hợp bị các cơ quan chức năng xác minh, đấu tranh và xử lý ở các mức độ khác nhau do tung tin thất thiệt, đưa tin, bài không được kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc.

Hành vi trên của một số người dân phần đa vẫn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, chủ quan, đơn giản trong việc tạo tin và đưa tin lên mạng xã hội. Mặt khác là do người tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, muốn tạo thông tin lạ, tin hot nhằm câu like, câu view, gây sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online… Nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, rất có thể một số phần tử bất mãn trong nước tung tin thất thiệt theo sự giật dây của các thế lực thù địch.

Không chỉ gây hoang mang trong dư luận, những hành vi do thiếu hiểu biết và nhằm động cơ, mục đích xấu của cá nhân như đã nêu trên còn gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân hoang mang khó phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin giả, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặt khác, thông tin giả còn gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt khi mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài lợi dụng tình hình dịch để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thì sự xuất hiện tràn lan những tin đồn thất thiệt, tin giả như trên chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”.

NHỮNG GIỌNG ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ

Bên cạnh người dân trong nước thiếu hiểu biết hoặc vì động cơ, mục đích cá nhân, một thủ đoạn đang được một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị ráo riết thực hiện là lợi dụng khoảng trống thông tin khi các cơ quan báo chí, truyền thông của ta chưa đăng phát kịp thời để cóp nhặt, nhào nặn, lồng ghép tạo dựng những thông tin giả bóp méo, xuyên tạc sự thật rồi tung lên không gian mạng nhằm cản trở cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chẳng hạn chúng suy diễn rằng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh là do cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm đến tính mạng, sức khỏe người dân; là do năng lực quản lý, điều hành của chính quyền yếu kém nên không có các chủ trương, biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh. Trong thực hiện chủ trương tiêm vắc xin các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng: Việt Nam quá lạc quan với kết quả phòng, chống dịch bằng biện pháp hành chính nên “thiếu chủ động” trong thực hiện tiêm vắc xin; từ một số trường có tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin, trong khi các cơ quan báo chí chính thống chưa kịp thông tin thì một số tổ chức phản động lưu vong móc nối với các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị ở trong đã đưa ra những thông tin rất phi khoa học để so sánh, suy diễn cho rằng loại vắc xin này tốt, vắc xin kia không tốt; cán bộ thì được tiêm vắc xin tốt, còn vắc xin chất lượng thấp thì tiêm cho người dân và đưa ra “khuyến cáo” chỉ tiêm loại vắc xin do nước này sản xuất không nên tiêm vắc xin của nước kia….

Những thông tin sai trái, những giọng điệu xuyên tạc ấy ít nhiều đã làm ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, tâm lý của những người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; làm cho thế giới hiểu chưa đúng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cùng với thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật về diễn biết tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch còn xuyên tạc công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Chúng cho rằng tình hình dịch phức tạp mà vẫn thực hiện “mục tiêu kép” là coi thường tính mạng, sức khỏe nhân dân… Thực chất của chiêu trò này là nhằm tạo dư luận trái chiều, kích động người dân gây áp lực với Đảng và Nhà nước. Những thông tin thất thiệt, xấu độc này càng trở nên nguy hiểm khi một số người dân thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm lên mạng xã hội “té nước theo mưa” chia sẻ, phát tán, bình luận...

TỈNH TÁO ĐỂ KHÔNG TIẾP TAY CHO KẺ XẤU

Tình hình dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, dù tình hình chưa lắng dịu, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nước ta vẫn được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người đã và đang được thực hiện tích cực, khẩn trương và đã đạt những kết quả quan trọng bước đầu. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thành công trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đang tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm ấy trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên tình trạng một số người nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm, lợi dụng tình hình dịch để tung tin giả, tin xấu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trở lại với những thông tin thất thiệt về công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin thất thiệt, sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin liên quan đến phòng, chống dịch CVID-19 trên không gian mạng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, không nghe theo các thông tin không chính xác, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng.

Cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Cơ bản, lâu dài vẫn phải là phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.

Bên cạnh lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn “đại dịch” tin giả, rất cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Khi tham gia vào môi trường mạng mỗi người dân bằng kiến thức và hiểu biết của mình hãy suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước những thông tin, hình ảnh, vidio tiếp cận, đừng vì nhẹ dạ, cả tin mà biến mình thành nạn nhân của “đại dịch” tin giả. Mặt khác mỗi cá nhân hãy kiềm chế cảm xúc đừng vì những diễn biến tâm lý nhất thời mà nghĩ sai, nghĩ xấu và có những phản ứng tiêu cực về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để rồi đăng tải, chia sẻ những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bình luận ác ý về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những hành động như vậy chẳng những làm xói mòn niềm tin vào Đảng và chính quyền, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch mà còn làm hủy hoại cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, tự biến mình thành kẻ tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều và phía trước chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Đây chính là thời điểm mà mỗi người dân cả nước nói chung và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thể hiện rõ nhất trách nhiệm công dân của mình, đồng sức, đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu chung chiến thắng đại dịch COVID-19. Một trong những việc làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực nhất trong lúc này là nói không và kiên quyết tuyên chiến với “đại dịch” tin giả.

Phùng Kim Lân

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM