Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề nhân quyền chống Việt Nam

 Trong âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, vấn đề nhân quyền luôn được các thế lực thù địch coi là một mũi tấn công gây sức ép lớn. Nhưng những gì mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 1_49801.jpg
Mỗi chúng ta cần nhận thức đúng đắn,  luôn tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực, thù địch, phần tử xấu (Ảnh minh họa)

Nhiều năm qua, vấn đề nhân quyền đã và đang được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí, một vỏ bọc cho các hoạt động chống phá, chuyển hóa Việt Nam theo phương thức “diễn biến hòa bình”. Ở Việt Nam, vấn đề nhân quyền còn được các thế lực thù địch, phản động xem như là một mũi tấn công chính, là một trong bốn “đột phá khẩu” nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Thực tế cho thấy, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống Việt Nam đang được các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm. Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để tác động chuyển hóa nội bộ, gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam; kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh, trật tự ở Việt Nam; hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo tiền, điều kiện để chuyển hóa, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Có thể nhận diện một số thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam:

Thứ nhất, lợi dụng sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức về vấn đề quyền con người để công kích, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ XHCN Việt Nam, đả kích vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị Việt Nam. Chúng quy kết học thuyết Mác – Lênin là độc tài, mất dân chủ, vi phạm quyền con người; tuyên truyền công kích vào Hiến pháp, pháp luật và thể chế chính trị, từ đó đòi thay đổi cương lĩnh, đường lối của Đảng, kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, ra sức xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền ở nước ta, triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình dịch bệnh COVID-19, việc bắt, xử lý các đối tượng chống đối chính trị… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hàng năm chính phủ một số quốc gia, một số tổ chức quốc tế thường đưa ra những cái gọi là “báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới” (trong đó có phần đề cập đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam), “báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam”, “dự luật nhân quyền Việt Nam”…; ra các tuyên bố, thông cáo báo chí xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Thứ ba, lợi dụng tính phổ biến của vấn đề quyền con người, quan hệ quốc tế trong vấn đề quyền con người để tuyệt đối hóa, tuỳ tiện áp đặt các “chuẩn mực” nhân quyền nhân danh “tinh thần thời đại”, “giá trị phổ biến” đối với Việt Nam; đặt ra các “điều kiện”, “tiêu chuẩn” về nhân quyền trong quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục… từ đó gây sức ép, tác động chuyển hóa nội bộ Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, chính trị, pháp lý theo chuẩn mực, giá trị dân chủ, nhân quyền tư sản phương Tây.

Thứ tư, lợi dụng chiêu bài “thúc đẩy dân chủ”, “bảo vệ quyền con người” để tài trợ, hậu thuẫn về vật chất lẫn tinh thần cho các phần tử, tổ chức chống Đảng, Nhà nước Việt Nam ở cả trong và ngoài nước nhằm hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức nước ngoài thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân vật trong chính giới, nhân viên cơ quan ngoại giao, các phái đoàn của chính phủ các nước với các đối tượng chống đối ở cả trong và ngoài nước để hậu thuẫn, khuyến khích chúng tăng cường hoạt động chống nhà nước Việt Nam; thông qua chiêu bài nhân quyền để can thiệp, bảo vệ cho số đối tượng chống đối chính trị bị bắt, xử lý, kêu gọi trả tự do cho các đối tượng…

Thứ năm, gắn vấn đề nhân quyền với vấn đề tôn giáo, dân tộc, lợi dụng những thiếu sót, hạn chế trong quá trình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam để kích động hoạt động chống nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài đòi “tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo”, “quyền tự quyết dân tộc”; gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân; kích động một bộ phận quần chúng hoạt động chống chính quyền nhân dân như gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn…

Có thể thấy rằng, nhân quyền là sản phẩm kết tinh của nền văn minh nhân loại, có ảnh hưởng rộng lớn và ngày càng trở thành mối quan tâm chung của nhân loại. Hiểu một cách chung nhất, nhân quyền là quyền con người, thế nhưng cho đến nay quan niệm, cách hiểu, cách tiếp cận về nhân quyền giữa các quốc gia lại thường không có sự thống nhất.

Tuỳ theo góc độ tiếp cận, quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp mà các quốc gia có những quan niệm khác nhau về quyền con người. Ở Việt Nam, nhân quyền được hiểu là những giá trị cơ bản mà con người giành được trong lịch sử đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội nhằm khẳng định địa vị chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý của mình. Đó là tổng thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.

Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng mở rộng dân chủ XHCN, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người còn được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng của Nhà nước như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng… Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong đảm bảo quyền con người, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, hội họp… Cùng với đó, rất nhiều chính sách an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước triển khai nhằm hướng tới người nghèo, người yếu thế, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Mới đây nhất, nhân dịp Quốc khánh mùng 2/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người, trong đó có cả người nước ngoài. Đây không chỉ một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trao cơ hội thứ hai cho những người đã một thời lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời mà còn tiếp tục phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, là minh chứng rõ nét nhất bác bỏ lại mọi luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền” của các thế lực, đối tượng thù địch, phản động.

Nhân quyền là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp và thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Bởi vậy, hơn lúc nào hết mỗi chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn, hiểu đúng, đầy đủ về nó và luôn tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện các luận điệu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống Việt Nam của các thế lực, thù địch, phần tử xấu./.

TS. Nguyễn Sơn – Học viện An ninh Nhân dân


Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM