Chuyển đến nội dung chính

“Tà đạo” núp bóng tôn giáo chính thống để trục lợi tâm linh

 

Cảnh giác với hình thức biến tướng của các “tà đạo”, giáo phái “tà đạo”, đây có thể là vỏ bọc của lừa đảo, kiếm tiền trên sự kém hiểu biết của người khác, đặc biệt lợi dụng thời đại công nghệ 4.0, các mạng xã hội để hoạt động bất minh, che giấu hành vi phạm pháp để trục lợi.

Cảnh giác với hình thức biến tướng của các “tà đạo”, giáo phái “tà đạo”

Hiện tượng các giáo phái “tà đạo” trên thế giới và ở Việt Nam không có gì lạ lẫm. Nhắc đến “tà đạo”, giáo phái chúng ta thường nghĩ nó liên quan đến ma quỉ, cúng bái cực đoan, thực hành các hành động kỳ quái… nhưng nếu biểu hiện như vậy thì lại quá dễ để nhận biết và nếu xem nhiều phim có thể nhận biết ngay đó chính là “tà đạo”.

Trên thực tế “tà đạo” không vận hành lộ liễu mà trái lại, nó biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. Thực trạng hiện nay của “tà đạo” gây nhức nhối trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay, các đối tượng xấu lợi dụng “tà đạo” và vận hành trên các trang mạng, diễn đàn, hội nhóm phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như: facebook, zalo, telegram, messenger, instagram, lotus, mocha, gapo, tiktok, zoom… để phục vụ cho mục đích bất minh.

Nguyên nhân chính là nếu các đối tượng xấu lợi dụng “tà đạo” đăng ký hoạt động như một tổ chức, một hội đoàn tôn giáo chính thức thì bị kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chính thống phát hiện, vì thế môi trường internet và nền tảng mạng xã hội được xem là "mảnh đất" màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức “tà đạo”.

TS. Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết, “tà đạo” không bao giờ tự nhận là “tà đạo”, không liên quan đến ma quỷ, thay vào đó nó sẽ đánh cắp những từ ngữ tích cực để mê hoặc như: “thiện”, “ thiền” “chữa lành”, “lạc quan”, “sống chủ động”, “tiềm thức”, “năng lượng vũ trụ”, “năng lượng gốc”, năng lượng trường sinh” “tế bào não”, “tần số rung động”, ‘tần số”, “truyền năng lượng”, “lượng tử”, “ vận công” phong thủy, mối tương quan giữa con người - vũ trụ, chữa bệnh bằng năng lượng, không dùng thuốc…

Có thể thấy, một số từ trong số từ này có ý nghĩa khoa học, một số khác hoàn toàn bịa đặt, vô nghĩa. Những từ có ý nghĩa khoa học khi bị “tà đạo” đánh cắp, chúng thay đổi hoàn toàn nghĩa và chỉ sử dụng như một vỏ bọc để tung hỏa mù thu hút nạn nhân. Sau đó nhóm người này tuyên bố khoa học không cao siêu bằng họ. Ngôn ngữ của “tà đạo” nghe có vẻ rất cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch và lệch lạc.

Nghiên cứu kinh sách và hướng dẫn thờ cúng thì thấy, thơ, văn thường tự sáng tác chép tay hoặc đánh máy, sau đó đem đi photocopy để phổ biến rộng rãi hoặc truyền miệng, nhiều nhóm “tà đạo” còn quay video đăng tải trên các trang web, mạng xã hội việc thực hành thờ cúng, hướng dẫn đọc kinh sách để tăng cường truyền bá trong xã hội.

Nhận diện "tà đạo", giáo phái "tà đạo" để tránh bị lừa đảo trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Ảnh minh họa/Intenet.

Nhận biết “tà đạo” qua việc thông tin không rõ ràng và hay phô trương

Các đối tượng lợi dụng “tà đạo” thường có những biểu hiện hay phô trương thanh thế, xây dựng hình ảnh trái ngược với người thực hành tâm linh chân chính. Đa phần hình ảnh thường ma mị, bất chính, kỳ quái, khó hiểu.

Bên cạnh đó, để thu hút người tin theo, đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội, lập các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để chia sẻ các video thực hành thờ cúng, vẽ bùa chú, hướng dẫn tu tập, chữa bệnh bằng năng lượng, yểm bùa, bắt ma....

Đa phần các giáo chủ sẽ thu hút tín đồ tin theo qua việc tự nhận được Trời, Phật, các đấng siêu nhiên chỉ dụ, sắc phong, báo mộng... được phái xuống trần thế, được giao sứ mệnh trở thành người lãnh đạo, dẫn dắt, giác ngộ con người nên có được sức mạnh siêu nhiên như có thể thông công với các Đấng thần linh, các vong linh người đã mất, có năng lực chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú, có khả năng giúp người dân tìm lành tránh dữ.

Ngoài ra, giáo lý, lễ nghi thường đơn giản, mang tính dân gian, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, đa số các tôn giáo mới hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang mầu sắc chính trị; tổ chức thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật. Những nhóm “tà đạo” bao giờ nó cũng che dấu thông tin là do ai sáng lập ra, địa chỉ, số điện thoại, chức danh, lịch sử hoạt động của giáo chủ.

Hiện nay phổ biến lợi dụng thời đại công nghệ 4.0, kết nối mạng ngày càng phát triển, chúng thường mạo danh nhà chùa và các sư thầy, ngày đêm "núp bóng" cửa Phật để trục lợi bất chính thì đó cũng là một trong những cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và trục lợi từ lòng tin của con người. Các đối tượng xấu thường lập những tài khoản mạng xã hội giả rồi lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng.

Những món đồ như: quả cầu đá thạch anh, tỳ hưu, vòng tay phong thủy, tượng Phật bản mệnh, Thiềm thừ…không rõ nguồn gốc theo chân những kẻ lừa đảo, trong trang phục phật tử trà trộn vào các buổi lễ tụng kinh, cầu quốc thái dân an được chùa tổ chức đều đặn vào mùng 1 và ngày rằm. Vô hình chung, hình ảnh của buổi lễ, của nhà chùa và sư trụ trì bị lợi dụng để thần thánh hóa cho các món đồ này./.

Trường An

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM