Khóc thương “Báo Sạch” xuyên tạc tự do báo chí Việt Nam
Nhóm “Báo Sạch” bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Với các bị can bị truy tố gồm: Trương Châu Hữu Danh (Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (TP.Đà Nẵng), Đoàn Kiên Giang (TP.HCM), Nguyễn Thanh Nhã (TP.HCM), Lê Thế Thắng (TP.Hà Nội) đã được các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt.
Trên các trang mạng của Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Đảng nhân dân Hành động Việt Nam, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, Tập hợp Đồng Tâm,… và các trang Facebook cá nhân của một số thành phần bất mãn, phản động đều lu loa lên “Việt Nam đàn áp tự do báo chí” với nhiều bài viết và hàng ngàn bình luận thù địch, xuyên tạc, ác ý nào là “Họ không muốn lắng nghe bất cứ tiếng nói trái chiều, phản biện, họ chỉ thích khen, không thích chê, không thích tiếp thu ý kiến mới nên ai đó có ý kiến phản biện thì họ có tư thù và luôn muốn trù dập”, “Họ sẽ không có nương tay với những người bất đồng chính kiến và họ luôn tăng mức án rất cao. Đấy là cách trả thù đơn giản nhất của nhà cầm quyền”, “Bản án cho nhóm “Báo Sạch” là sự trả thù của những kẻ đang có quyền được ngồi xổm lên công lý ở VN”,…
Không chỉ các thành phần phản động bất mãn khóc thương cho nhóm “Báo Sạch” mà các cơ quan truyền thông VOA, RFA, RFI,…, các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao một số quốc gia thù địch cũng lên tiếng vu khống Việt Nam vi phạm tự do báo chí, đòi trả tự do cho những phóng viên này và ngưng đàn áp báo giới. Trong khi trên thực tế, qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nhóm đối tượng “Báo Sạch” có hành vi viết, đăng tải, phát tán trên các trang mạng xã hội: Trang fanpage “Báo Sạch”, group “Làm Báo Sạch” và trên các Facebook cá nhân các bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các bị cáo đã lợi dụng mạng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết nhiều bài viết xúc phạm, xâm phạm đến nhiều cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; xâm phạm đến các quyền tự do, dân chủ, qua đó xâm phạm đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức,…
Các bài viết và clip do nhóm “Báo Sạch” thực hiện đều có tư tưởng phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; có thể gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gây mâu thuẫn, chia rẽ, lôi kéo, gây hoang mang trong dư luận xã hội; kích động mọi người gây mất ổn định về an ninh, trật tự công cộng. “Tất cả các thông tin đều là tiêu cực, phủ nhận hết mọi kết quả, thành tựu đạt được từ trước đến nay của đất nước, của địa phương” – cáo trạng nêu.
Cũng theo cáo trạng, nhóm “Báo Sạch” đã đăng tải nhiều bài viết thiếu tính xây dựng, mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề của xã hội, chế độ, hệ thống chính trị của đất nước. Cách dùng từ ngữ, cách nhận xét, nhận định, đánh giá phiến diện, cực đoan trong các bài viết, tạo sự tham gia tương tác của các đối tượng xấu trên môi trường mạng; tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu nghiêm trọng đối với tổ chức Đảng và đảng bộ các địa phương.
Nhiều bài viết mang nội dung thông tin không đầy đủ, không chính xác, thể hiện tính chủ quan, quy chụp, suy diễn một chiều,… nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của các cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội các cấp, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trương Châu Hữu Danh đã thừa nhận trong vụ án này đã viết nhiều bài và xâm phạm đến nhiều cơ quan, tổ chức. “Bị cáo xin lỗi những người, cơ quan đã xâm phạm và mong muốn bản án ghi nhận lời xin lỗi thành tâm của bị cáo đối với các cá nhân, tổ chức mà bị cáo vô tình xâm phạm,…”.
Ở Việt Nam, báo chí là “cầu nối” giữa ý Đảng – lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Chúng ta khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Và lẽ tất nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet, tự do ngôn luận để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân./.
Cựu chiến binh Long An
Nhận xét
Đăng nhận xét