Không “theo đuôi” bọn xấu, tự biến thành kẻ cơ hội chính trị

 

Không “theo đuôi” bọn xấu, tự biến thành kẻ cơ hội chính trị

Nhân Văn

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay một bộ phận người dân đang sống trong trạng thái bất ổn, hay có thắc mắc, kiến nghị với tổ chức đảng cơ sở và chính quyền địa phương. Tâm trạng chung của họ là băn khoăn, lo lắng về cuộc sống hiện tại và tương lai trước những thay đổi của thời cuộc. Đây là “mảnh đất mầu mỡ” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh tán phát, lan truyền thông tin xấu, độc nhằm kích động, xúi giục những người dân thuộc đối tượng này có thái độ, hành vi “phản ứng”, chống lại chính quyền sở tại, thậm chí có biểu hiện đòi thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa này bằng một chế độ xã hội khác theo mô hình các nước tư bản chủ nghĩa. Không ít người đã học đòi, bắt chước, theo đuôi kẻ xấu, hùa theo các trào lưu dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ ở phương Tây…

Như đổ thêm dầu vào lửa, một số ít cán bộ, đảng viên do nhận thức chưa đầy đủ, hiểu biết lệch lạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đã tỏ ra bức xúc, thiếu sự đồng thuận với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân, lợi ích của gia đình, dòng tộc, nhất là hiểu sai về các vấn đề về đất đai, môi sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong các ngành: y tế, giáo dục, văn hoá, giao thông, giải quyết việc làm, đề bạt, bổ nhiệm, chạy chức, chạy quyền, v.v.. Những cán bộ, đảng viên này đã lên tiếng, to tiếng, đòi “công bằng” nhưng thiếu sự kiềm chế, không có ý thức xây dựng, có những hành vi thái quá, thậm chí đến mức vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, đã và đang làm xấu hình ảnh người cán bộ, đảng viên của Đảng, đã châm ngòi, kích động một số phần tử bất mãn đòi thay đổi chế độ, kêu gọi dựng lên chính quyền mới, thậm chí lôi kéo một bộ phận người dân bất mãn đòi Đảng, Nhà nước ta “thay đổi tình trạng hiện tồn”, tìm một cách sống mới, chế độ mới mà theo họ là tốt hơn, dù chưa thật hiểu nó là gì.

Điều đáng trách là một số cán bộ, đảng viên thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo cảu Đảng, sự quản lý của Nhà nước, có quan điểm, cách hành xử thiếu văn hóa với đội ngũ cán bộ ở địa phương, xưng hô, phát ngôn thiếu lịch sự, không có ý thức xây dựng, thậm chí nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương; có hành vi chống đối chính quyền cơ sở với nhiều chiêu trò tinh vi, phản cảm; gây thêm khó khăn cho chính quyền cơ sở trong giải quyết những vấn đề dân sinh, dân chủ… Dù vô tình hay hữu ý, những cán bộ, đảng viên này đang vi phạm nguyên tắc của Đảng, đang tự biến mình thành “cái đuôi” của bọn người xấu, bị bọn cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân do bị mua chuộc, nên đã biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nghiêm trọng hơn là vi phạm Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đến mức tổ chức đảng phải xem xét kỷ luật Đảng, không thể để “con sâu quấy rầu nồi canh”.

Vì saomột bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân có biểu hiện “hai mặt” trong lối sống, sinh hoạt hiện nay?

Mặt thứ nhất (chính thức) là công khai tin tưởng, trung thành với Đảng; nói và làm theo nghị quyết của Đảng, “sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong hội nghị thì đồng ý, nhất trí cao với nghị quyết, tán thành với kết luận của đồng chí bí thư nhưng ra khỏi hội nghị lại nói theo cách khác, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí quá đà, “phát tin”, “phao tin” sai tinh thần nghị quyết của Đảng, dùng đủ các kiểu ngôn từ để nói xấu, hạ thấp uy tín của các đồng chí, đồng đội vì “dám chạm đến lợi ích của mình”. Những đảng viên thuộc diện này trên thực tế chỉ lấy nghị quyết, cấp ủy, chi bộ để làm “bình phong”, ngụy trang, che đậy “điều xấu sa bên trong bản thân”; bề ngoài thì tỏ vẻ trung thành, kiên định, “làm gương” tuân thủ pháp luật nhưng trên thực tế thì làm ngược lại. Những người thuộc đối tượng này đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng gặp gỡ, trao đổi không ít lần nhưng ơ các lần ấy, họ đều “thành khẩn”, tự thừa nhận do trình độ nhận thức còn thấp, chưa hiểu biết đầy đủ vấn đề, hứa sẽ chấp hành tốt pháp luật, không tái phạm sai lầm, song trên thực tế, họ vẫn “ngựa theo đường cũ”, “chứng nào tật ấy”, tiếp tục hoạt động “ngầm, sâu, kín đáo” để chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, có người đã “kéo bè kéo cánh” hoạt động mạnh hơn, gây nhiều khó khăn cho chính quyền sở tại, làm tổn hại môi trường chính trị trong lành ở địa phương.

Cùng với đó, một số ít cán bộ, đảng viên không có chính kiến, thường “ba phải”, chỉ nói theo nghị quyết, đường lối, dùng nghị quyết, đường lối làm “đồ trang sức”; có sự việc biết nhưng không muốn nói, không muốn đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, ngại và sợ liên lụy đến bản thân và gia đình, họ thuộc đối tượng “ngậm miệng ăn tiền”, dẫu biết “miếng ăn quá khẩu thành tàn” nhưng “chỉ kém một chút lộn gan lên đầu”, gây mất đoàn kết.

Mặt thứ hai là “hoạt động ngầm”, “âm thầm, lặng lẽ”, rất khó phát hiện, có biểu hiện “thiếu trung thực, dối trên, lừa dưới”, kết bè phái, tạo dựng “vây cánh”, tìm “kẽ hở” để làm trái pháp luật, có âm mưu hủy hoại, triệt hạ cán bộ có quan điểm, lợi ích trái ngược với mình, “không thuộc phe cánh”; coi thường cấp dưới, có biểu hiện xa dân, khinh dân. Tình trạng không ít cán bộ, đảng viên đội “mũ ni che tai” để tránh phiền hà, không bị liên lụy hoặc “xum xoe, nịnh bợ, lừa dối cấp trên để cầu vinh” không còn là hiện tượng cá biệt. Họ đã vướng vào nhiều điểm trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng đã chỉ ra. Hệ quả là một bộ phận người dân vốn vì quá bức xúc, bất bình với các hiện tượng tiêu cực xã hội ở địa phương, làng xã, khu phố nên không thể nín nhịn, phản ứng tiêu cực, lại được những cán bộ, đảng viên thiếu chuẩn mực “bơm tin”, chỉ dẫn, cung cấp “biện pháp đòi quyền lợi”, đã tập hợp thành đám đông để phản đối chính quyền, thậm chí “đâm đơn” khiếu kiện tập thể kéo dài. Lợi dụng tình thế này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã kích động người dân “theo đuôi” kẻ xấu, ra mặt chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, làm rối loạn môi trường chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.

Thực tế chỉ ra rằng, những người bất mãn, bất đồng chính kiến với chính quyền địa phương đang bị các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, mua chuộc, “kết bè kéo cánh” để tuyên truyền, phá hoại an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây bạo loạn chính trị ở một số địa bàn dân cư; ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh; khó huy động nhân dân tham gia công tác quốc phòng, an ninh; xây dựng “thế trận lòng dân”, phát triển kinh tế – xã hội, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đấu tranh phòng, chống địa dịch Covid-19. Đây là một thực tế, rất khó quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy các nhân tố con người trong xây dựng “thế trận lòng dân” trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế vì sự khác biệt xã hội khá lớn, nhất là ở các địa phương có “điểm nóng”.

Vì sao tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng; đấu tranh chống “giặc nội xâm”, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ chưa đạt yêu cầu, thiếu sức thuyết phục?

Hiện nay, ở một số cán bộ có chức có quyền vẫn còn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, có biểu hiện sa vào chủ nghĩa cá nhân với nhiều hành vi về thu vén cho lợi ích cá nhân trước khi “hạ cánh”. Đáng sợ là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhưng tiến độ, tốc độ đẩy lùi, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực còn chậm, thậm chí, có nơi, có địa phương năm sau số vụ tham nhũng tăng hơn năm trước; kỳ sau số vụ tham nhũng nhiều hơn kỳ trước; “từ một con sâu trở thành bầy con sâu”; chống tham nhũng, tiêu cực là “quốc nạn” vẫn luôn là mặt trận nóng bỏng.

Nhìn chung, đấu tranh chống “giặc nội xâm”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn phải tiếp tục mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã rất cố gắng, các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực vào cuộc. Điều đó làm cho không ít cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên và nhân dân lo lắng cho vận mệnh của quốc gia – dân tộc, sự sống còn của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đang bị coi là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn…Nó phải trở thành nhiệm vụ cấp bách với sự “chung sức đồng lòng” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mới có thể “quét sách chủ nghĩa cá nhân”, làm lành mạnh xã hội ta.

Cùng với đó, các vấn đề về an sinh xã hội, học tập, khám chữa bệnh, thất nghiệp, thu nhập thấp, bất công, bất bình đẳng, lợi ích nhóm, ma tuý…, vẫn còn tồn tại, đã và đang đe dọa cuộc sống của người dân, nhất là thực phẩm bẩn, dịch bệnh Covid-19…, đang bị bọn người xấu xuyên tạc, bóp méo sự thật. Việc giải quyết các vụ án còn kéo dài, không triệt để, còn để dân kêu oan, bức xúc, bất bình, thiếu niềm tin đã và đang tác động không thuận chiều, tiêu cực đối với xây dựng “thế trận lòng dân”, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc; cản trở việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ tiêu, mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta đã xác định. Những bức xúc đó có thể góp “gió thành bão”, là nguy cơ hiện hữu, có thể gây hại, cản trở nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân”, điều đó đúng với 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong đối với chế độ mà Đảng ta nhấn mạnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII đến nay, có nguy cơ còn gay gắt hơn, đáng lo ngại, phải hết sức đề phòng.

Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới nhất thiết phải thực hiện tốt các nội dung:

(1) Phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình mới.

 (2) Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có tầm cao trí tuệ, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; xứng đáng là một đảng cầm quyền, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, văn minh của giai cấp và dân tộc.

 (3). Đội ngũ cán bộ, đảng viên của của Đảng phải mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là những người đứng đầu, chủ chốt phải nêu gương sáng về đức hy sinh “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, một lòng vì nước vì dân; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện thăng lượi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm.

(4) Phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện nghiêm “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Thực hiện tốt các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Có cơ chế đảm bảo cho mọi người dân được tham gia công việc của Nhà nước, của địa phương; thực hiện đồng bộ, thống nhất cơ chế dân chủ trong các hoạt động xã hội, thực hiện phản biện xã hội.

(5) Kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết công bằng xã hội, thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và bất bình đẳng trong xã hội, thực hiện các hình thức điều tiết lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, nhất là trong phòng, chống Covid-19. Giải quyết tốt các mâu thuẫn, bất đồng, bức xúc trong xã hội, các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, không để lan ra diện rộng, trở thành “điểm nóng”Đặc biệt, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhân dân. Bảo vệ các quyền lợi của công dân, chống mọi hành vi xâm phạm lợi ích và thân thể công dân./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM