Mang danh bảo vệ ký giả, CPJ lại phớt lờ lẽ phải

 


Đã trở thành quy luật, mỗi khi các cấp tòa án ở Việt Nam mở phiên tòa xét xử các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước thì một số cá nhân, tổ chức, đài báo ở nước ngoài có quan điểm, tư tưởng thù địch Việt Nam như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ)... lại xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”.

Mới đây, CPJ lại ra thông cáo báo chí vu cáo Nhà nước Việt Nam là một trong ba nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Thông cáo cho rằng, Việt Nam vi phạm tự do báo chí nghiêm trọng và nêu yêu sách đòi Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”! Những cái tên được CPJ xướng lên làm “ví dụ điển hình” cho các nhà báo bị giam giữ gồm Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất… Thực ra đây là một luận điệu không mới của CPJ khi tổ chức này luôn có những quy kết không đúng về tình hình nhân quyền của Việt Nam nói chung cũng như tự do báo chí nói riêng. Chỉ cần nhìn vào những cái tên trên đủ để thấy rằng CPJ xuyên tạc, bóp méo vấn đề quyền con người ở nước ta như thế nào. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… dù trước đây từng có giai đoạn hoạt động tại một số cơ quan báo chí, song do vi phạm pháp luật, họ đã bị kỷ luật, thay đổi công việc, ở thời điểm bắt giữ thì họ không còn là những nhà báo hay phóng  viên như CPJ công bố. Trái lại, đó đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xét xử theo các quy định của pháp luật.

Đơn cử, ngày 5/1/2021, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi bị cáo 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Bản án nghiêm minh, đúng pháp luật này được đưa ra dựa trên những tài liệu, chứng cứ rõ ràng, không thể bác bỏ về hành vi phạm tội của ba bị cáo này, trong đó riêng Phạm Chí Dũng đã sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết trên trang “Việt Nam Thời báo” của tổ chức bất hợp pháp “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” với nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và chống Nhà nước XHCN Việt Nam.

Hoặc gần đây, phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang ngày 14/12/2021. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cáo trạng xác định, Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân. Cụ thể, Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam". Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Như vậy, Phạm Thị Đoan Trang vừa viết bài, vừa trả lời phỏng vấn với các nội dung tuyên truyền chống Nhà nước. Đồng thời, vẫn còn nhiều đầu mục ấn phẩm khác có nội dung sai trái như việc xuất bản, tán phát tài liệu “Báo cáo Đồng Tâm”, “Chính trị bình dân”…

Tiêu chuẩn để trở thành một nhà báo theo quy định của Pháp luật Việt Nam là gì?

Tại Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Nhà báo có các quyền như: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí…

Đồng thời, nhà báo có các nghĩa vụ như: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;  không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật… Vì vậy, để trở thành một nhà báo tại Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu rõ ràng, cụ thể nêu trên và yêu cầu hiển nhiên là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, các đối tượng nêu trên không có thẻ nhà báo, không tác nghiệp tại cơ quan báo chí nào, có đối tượng như Phạm Thị Đoan Trang dù trước đây có làm phóng viên tại một số cơ quan báo chí nhưng do vi phạm kỷ luật, đã bị sa thải. Vì vậy, không thể gọi đó là những nhà báo, lại càng không thể nói “nhà báo đấu tranh vì công lý, vì nhân quyền”! Thực tế, đây là những đối tượng lợi dụng quyền biểu đạt, thông tin để “tự phong nhà báo”, viết bài xuyên tạc, chống phá đất nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Liên hợp quốc và pháp luật của nhiều quốc gia phát triển như Pháp, Anh, Mỹ quy định cụ thể. Trong bản“Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789”, vấn đề tự do báo chí được trình bày như là một trong những quyền cơ bản: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật” (Điều 11). Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại khoản 1, Điều 19 quy định rõ: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Khoản 2, Điều 22 quy định: “Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam. Những năm qua, báo chí ở Việt Nam đã thể hiện được quyền tự do ngôn luận và đều được quyền thông tin. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế. Thông qua báo chí, nhân dân cũng có diễn đàn để trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời phản biện, đề xuất những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước.

Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo các quyền tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Đi liền với đó, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet, tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân, kích động gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và sự thật thì những cá nhân và tổ chức trên không được công nhận là “nhà báo”.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM