Mọi sai làm đều phải trả giá đắt và bài học xương máu

 


Mọi sai làm đều phải trả giá đắt và bài học xương máu

Nhân Văn

Vào những ngày này của 30 năm trước đây, “cơn địa chấn chính trị” dữ dội đã diễn ra ở trời Âu, làm rung chuyển cả thế giới; kết cục là chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã sụp đổ. Vì sao có thảm họa này?

Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng sản Liên Xô do V.I. Lênin sáng lập và rèn luyện, đã từng có lịch sử vô cùng oanh liệt, vẻ vang: lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia rộng lớn, chiếm 1/6 diện tích thế giới; đã mở ra một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vi toàn cầu.

Thế nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, một đảng mácxít – lêninit chân chính, mạnh nhất và kiên cường nhất với hơn 20 triệu đảng viên đã tự đánh mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội do những sai lầm đặc biệt nghiêm trọng về đường lối chính trị trong cải tổ, đã nhanh chóng đẩy Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết hùng mạnh vào tổng khủng hoảng và cuối cùng bị tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa đã xây dựng hơn 74 năm đã sụp đổ vào ngày 31 tháng 12 năm 1991, khi lá cờ búa liềm không còn tung bay trên Quảng Trường Đỏ, Mátxcơva, bên cạnh Lăng Lênin.

Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo chỉ sau vài năm cải tổ (từ 1985)? Câu hỏi lớn này còn khắc khoải đối với nhiều thế hệ con cháu chúng ta vì nó gợi lại nỗi đau buốt trái tim về sự kiện Liên Xô sụp đổ – câu chuyện “kinh thiên động địa”, rất đỗi bàng hoàng. Nỗi đau này nhắc chúng ta rằng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không được sao nhãng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không được quên những đau thương, tổn thất nặng nề ấy. Chúng ta cần truyền lại cho các thế hệ con cháu tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ nghiêm túc, tuyệt đối không được mắc mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; phải rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc, thiết thân cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phải rút ra bài học gì cần cho chúng ta để không lặp lại “vế xe đổ” ấy? Chắc rồi sẽ còn có nhiều lời giải đáp khác nhau tùy theo cách tiếp cận, tầm nhìn; song tựu chung lại, cần thấu triệt thật rõ các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô để không mắc sai lầm:

Một là, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, đánh mất chiếc “la bàn”, kim chỉ nam cho hành động của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và vi phạm những nguyên tắc mác xít – lêninnít.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mách mạng, “vũ khí sắc bén”, “công cụ nhận thức” vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới vì sự tiến bộ xã hội; là hạt nhân lý luận của hệ tư tưởng giai cấp công nhân; thế nhưng nó đã bị đánh cắp, đã bị xuyên tạc rồi bị đánh gục bởi những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại. Cơ sở của sai làm này là những người cộng sản Liên Xô đã “tự thú nhận về khuyết điểm” của chủ nghĩa Mác – Lênin, đòi sửa chữa nó vô nguyên tắc.

Chúng ta đều biết trong quá trình vận động, phát triển, có một số luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin không còn phù hợp, cần phải bổ sung, phát triển và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là việc làm bình thường, tự nhiên và cần thiết. Sinh thời, C. Mác, Ăngghen và V.I. Lênin đều truyền dạy như thế nhưng những người cộng sản Liên Xô đã thực hiện sai.

Lợi dụng sai lầm ấy, những kẻ cơ hội, xét lại đã cường điệu, vu cáo rằng chủ nghĩa Mác – Lênin “đã cũ, lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thời đại mới. Vin vào việc phải cải tổ, cải cách, họ đã biến các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin thành giáo điều theo kiểu “tư duy chính trị mới”, từ xuyên tạc, đổ lỗi sai lầm đi đến phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là các  về vấn đề căn cốt nhất là học thuyết đấu tranh giai cấp, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của chuyên chính vô sản. Goocbachốp và những người thân phương Tây đã đưa ra quan điểm “ngôi nhà chung châu Âu”, “tất cả chúng ta cùng trên một chiếc thuyền” để tuyệt đối hóa vai trò, giá trị toàn cầu; nhấn mạnh vấn đề dân chủ và công khai hóa, xem nhẹ vấn đề kỷ luật, tập trung, thống nhất trong Đảng…Từng bước xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, Goocbachốp và phe cánh đã theo đuôi phương Tây, đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ, từng bước phá hỏng chủ nghĩa xã hội.

Rõ ràng, nguyên nhân cơ bản làm cho Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo là sự phản bội chủ nghĩa Mác – Lênin, phá hủy nền tảng tư tưởng của Đảng xuất phát từ một số đảng viên cộng sản có chức có quyền hủy hoại Đảng. Rút ra điều này, chúng ta đã nhận thức đúng và vô cùng sâu sắc trong sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đổi mới đất nước hơn 35 năm qua. Nó cắt nghĩa thật rõ ràng tại sao Đảng ta lại kiên trì và tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nguyên tắc “số một” trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và sự nhất quán khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Điều đó hoàn toàn đúng bởi thực tiễn đã chứng minh rằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, buông lỏng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vi phạm các nguyên tắc cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.

Mục đích ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản không phải là tự thân mà là lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng: Đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, bất công; xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, suốt một thời gian dài, Đảng Cộng sản Liên Xô đã bao biện, làm thay Nhà nước Xô viết, không phát huy đầy đủ vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội.

Tiến hành cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô muốn khắc phục các khuyết điểm: độc quyền, đảng trị, hành chính hoá công việc của Đảng, không làm thay chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Đó là chủ trương đúng, hợp lòng dân nhưng trong quá trình thực hiện, Goocbachốp và phe cánh dần dần xa rời nguyên tắc mácxít – lêninnít mà lúc đầu đặt ra là “cải tổ để dân chủ nhiều hơn, chủ nghĩa xã hội nhiều hơn”, dần dần trượt dài trên con đường “cải tổ”, liên tiếp mắc sai lầm nghiêm trọng bởi nội bộ bị chia rẽ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi đảng”, “phi chính trị hóa” quân đội…

Hơn thế, Goocbachốp và phe cánh lập ra chế độ tổng thống, hủy bỏ cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng, coi thường điều lệ đảng, không phân công các ủy viên bộ chính trị phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, mạnh tay thoải loại các quan chức giầu kinh nghiệm, có quan điểm đối lập. Hàng trăm nghìn tổ chức cơ sở đảng rơi vào tình trạng suy thoái, yếu kém. Cùng với đó, họ đã tiến hành “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, công an, KGB để cô lập, vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng ngay trong các lực lượng chuyên chính này nhưng lại cho phép thành lập các đảng phái, các tổ chức đối lập để cổ suy cho tư tưởng dân chủ, công khai hóa. Vì thế, các phe phái đối lập mọc lên “như nấm sau trận mưa rào”. Ông Goocbachốp đã không ý thức được rằng chính tư tưởng dân chủ đã trói tay ông ấy và chính nó đã truất quyền lãnh đạo của Đảng, biến Đảng thành “một câu lạc bộ” và thành quả cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân giành được cũng bị tước mất.

Ba là, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản nhất của Đảng Cộng sản, phá nát Đảng từ “chóp bu”, bên trong.

Từ khi ông Goocbachốp và phe cánh nắm quyền hành, đã lái Đảng Cộng sản Liên Xô từng bước vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng do Lênin đề ra, rơi vào sai lầm nghiêm trọng: không hiểu đúng và thực hiện sai những chỉ dẫn của Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đến thủ tiêu nó một cách tàn bạo và cuối cùng tuyên bố giải tán Đảng.

Ông Goocbachốp và phe cánh đã nhấn mạnh một chiều vấn đề tập trung và kỷ luật, không chú trọng phát huy dân chủ, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, lộng hành, gây ra những tác hại rất lớn, mắc “bệnh” sùng bái cá nhân. Ông ta đã từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác. Từ chỗ chống tập trung quan liêu, đề cao dân chủ, quay sang tuyên bố dân chủ hoá vô hạn độ, không giới hạn. Theo đó, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng như tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, Đảng viên chịu sự kiểm tra và phục tùng kỷ luật của tổ chức đảng đều bị vi phạm nghiêm trọng. Sai lầm này đã khiến cho hàng chục đảng đối lập, hàng chục nghìn tổ chức chính trị – xã hội đối lập ra đời tranh đấu với nhau, làm cho xã hội Liên Xô rối loạn, không thể kiểm soát.

Vì thế, cả 15 nước cộng hòa lần lượt đòi ly khai, các dân tộc vốn là anh em trong đại gia đình Liên Xô nảy sinh mâu thuẫn, xung đột gay gắt, các giáo phái, tôn giáo trỗi dậy nhanh chóng và rất mạnh. “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch như “một bệnh dịch đã lây lan khắp nơi”, bọn cơ hội, xét lại lộng hành, đẩy mạnh chia rẽ Đảng với Nhà nước, quân đội với công an, phá nát khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết cục bi thảm là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Xô viết tối cao bị chia rẽ sâu sắc, sự thống nhất trong Đảng, Nhà nước bị phá vỡ, kéo theo sự tan vỡ của khối thống nhất toàn liên bang, đất nước ngày càng lún sâu vào rối loạn, tổng khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tình huống bạo loạn đã xuất hiện ở Liên Xô đúng như điều V.I. Lênin đã cảnh báo. Đảng Cộng sản Liên Xô hoàn toàn bất lực, không thể lãnh đạo đất nước.

Bốn là, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chúng ta đều biết nguồn gốc sức mạnh của một đảng cách mạng chân chính là có mối liên hệ “máu thịt” với nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; ý Đảng – lòng dân là một khối thống nhất. Đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản, đó cũng là quy luật vận động, phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trái với quy luật ấy là sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, xa dân, đặc quyền đặc lợi, bị quần chúng oán ghét, căm giận.

Khi bắt đầu tiến hành cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô ý thức được rằng muốn cắt bỏ được “khối u ác tính” trên cơ thể Đảng thì phải dựa vào nhân dân, phải thực hiện phê phán công khai, đề cao vai trò của công luận. Điều đó là đúng nhưng họ đã mắc sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi thực hiện “dân chủ hóa”, “công khai hóa” rộng rãi, đã cho phép các phương tiện thông tin đại chúng công khai tất cả mọi “ngọn nguồn bí mật” của Đảng, cả những mặt tiêu cực, xấu xa tích tụ bấy lâu trong Đảng nhưng thiếu sự kiểm soát, không có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng, không có định hướng chính trị trong xây dựng, khiến cho những phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị, phản động có cơ hội phản bội, chúng đã lợi dụng “dân chủ hóa”, “công khai hóa” để thóa mạ, nói xấu, bôi nhọ thanh danh Đảng, từ xuyên tạc, vu khống đến hạ thấp uy tín, danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng vị thế, vai trò của Đảng.

Kết cục là toàn bộ lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô biến thành màu đen, tội lỗi, đáng căm thù, uất hận. Họ đã im lặng để các phần tử cực đoạn đốt sách kinh điển Mác – Lênin, cắt bỏ chương trình giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường, các bậc học; đã sơn đen, đập vỡ các tượng đài của C. Mác, V.I. Lênin và các lãnh tụ của Đảng Cộng sản, đóng cửa các bảo tàng, công viên cách mạng, nhà văn hóa công nhân, hủy bỏ các bộ sách lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô viết về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống phát xít.

Vì thế, các đảng viên cộng sản, các giáo sư, nhà khoa học chân chính đã bị quy kết, buộc tội là “thủ phạm kéo lùi sự phát triển đất nước”, là bảo thủ, trì trệ. Họ từng bước bị vô hiệu hóa, muốn được nhận lương, có việc làm phải đốt thẻ đảng, tẩy chay chủ nghĩa Mác – Lênin. Phần lớn cán bộ, đảng viên đã bị tước hết uy tín, danh dự, không còn tư cách để tập hợp lực lượng trong Đảng và trong nhân dân, bị nhân dân xa lánh, ruồng bỏ. Đó là cái cở để bọn cơ hội, xét lại cô lập Đảng, tách Đảng ra khỏi quần chúng, làm cho Đảng trở nên xấu sa trước quần chúng, không được ủng hộ và chúng biết sớm hay muộn Đảng sẽ tan rã.

Có thể khẳng định rằng, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị là do Đảng Cộng sản Liên Xô vi phạm các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng Đảng, làm trái quy luật khách quan nên dẫn đến sự đỗ vỡ của Đảng và sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô. Điều đó chứng tỏ rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không hề sai lầm, không lỗi thời, lạc hậu mà chính là một bộ phạn đảng viên của Đảng đã hiểu sai, làm sai, đã trà đạp thô bạo lên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng sai làm phương pháp tư duy vật biện chứng duy vật.

Sai lầm nghiêm trọng ấy là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thực hiện “diễn biến hòa bình”, để tấn công phá hoại Đảng Cộng sản, thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Bài học xương máu này thật đau đớn nhưng có ý nghĩa thiết thân, bổ ích đối với chúng ta phải biết làm gì và làm như thế nào để sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục giành những thành tựu mới./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM