CHIẾN TRANH TÂM LÝ TRÊN MẠNG – VŨ KHÍ HỦY DIỆT THỜI ĐẠI INTERNET
Nguy hại từ “viên đạn” vô hình
Theo nghĩa rộng, chiến tranh tâm lý là sự kế tục của chính trị và là phương tiện của chính trị; là cách thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng của các bên có mâu thuẫn về tư tưởng. Theo nghĩa hẹp, chiến tranh tâm lý là các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng, hay còn được gọi là tâm lý chiến thông qua sử dụng các biện pháp, cách thức tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương; nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, từ đó gây mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến, rồi tự tan rã.
Với gần 5 tỷ thiết bị thông tin liên lạc có kết nối internet trên toàn thế giới hiện nay, cuộc chiến trên không gian mạng đã được định nghĩa là “chiến trường thứ năm”. Lý do để các nước sử dụng triệt để chiến tranh tâm lý là vì sau khi nghiên cứu các biểu hiện tâm lý con người và xã hội, các chuyên gia quân sự cho rằng, nơi dễ bị tổn thương nhất là tâm lý con người và xã hội nên đánh vào đây chẳng khác nào đánh vào “tiền duyên phòng ngự” trong trận địa tư tưởng. Một lý do khiến nhiều nước trên thế giới luôn coi chiến tranh tâm lý là mũi nhọn khi thực hiện mục đích hạ bệ, lật đổ chế độ chính trị, chính phủ của một nước khác là bởi phương thức này khiến đối phương khó “điểm mặt, chỉ tên” kẻ thù một cách chính xác; tốn kém không nhiều về kinh tế, không đổ máu binh sĩ trên chiến trường và không có sự tàn phá của bom đạn như chiến tranh xâm lược truyền thống.
Chiến tranh tâm lý diễn ra ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, ngoại giao, khoa học-công nghệ, truyền thông, giáo dục, thể thao... Trong thời bình, chiến tranh tâm lý trở thành phương tiện quan trọng để tiêu diệt chính phủ của quốc gia có chủ quyền hoặc chế độ chính trị có xu hướng đi ngược lại mục tiêu “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.
“Đạn” của chiến tranh tâm lý là thông tin, với nhiều loại “đạn” được sử dụng ở từng thời điểm khác nhau. Nếu là tuyên truyền công khai thì sẽ có “thông tin trắng”. Còn tuyên truyền bí mật lại có “thông tin đen”, “thông tin xám”, “thông tin hồng”... Nhằm thực hiện triệt để 3 chức năng chính: Một là, đánh lạc phương hướng chính trị của đối phương thông qua việc cung cấp nhiều thông tin sai lệch cho cá nhân và cộng đồng, làm biến dạng chân lý, mang lại cho con người “bán chân lý” (thực thực hư hư), tạo nên những ảo tưởng xa lạ. Hai là, phá hoại đạo đức, lối sống của quân đội và nhân dân phía đối lập, khêu gợi sự thất vọng. Ba là, gieo cấy vào nhận thức của quần chúng các quan điểm và giá trị tinh thần theo mục đích của bên tham chiến. Vì là cuộc chiến vô hình, không giới tuyến, không bộc lộ trực diện ý đồ, khó xác định đối tượng và thông qua việc sử dụng thông tin ở các thời điểm khác nhau nên chiến tranh tâm lý trở thành cuộc chiến khó nhận diện và phòng, chống.
Cần có lực lượng chuẩn bị tâm lý cho quân nhân
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã xây dựng lực lượng tâm lý chiến trên internet và sử dụng hiệu quả đội quân này phục vụ mục tiêu chiến lược của mỗi nước. NATO đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu hợp tác quốc phòng trên mạng (CCDCE), đặt trụ sở tại Tallinn (thủ đô của Estonia) và thiết lập các kết nối giữa hệ thống mạng quân đội với hệ thống mạng dân dụng. Thành viên gồm những kỹ sư và hacker giỏi về thông tin mạng.
Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã nhận thấy tầm quan trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho tâm lý học quân sự. Cuối năm 1969, Ban Nghiên cứu tâm lý học quân sự được thành lập. Để chuẩn bị tốt hơn nữa nhân tố con người trong hoạt động quân sự, ngày 23-12-1976, theo Quyết định số 310/QĐTM của Bộ Tổng Tham mưu, Khoa Tâm lý-Giáo dục học quân sự, Học viện Chính trị được thành lập. Đến tháng 2-1979, đồng chí Trung tá Hoàng Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu tâm lý của Tổng cục Chính trị được điều động về giữ chức Chủ nhiệm khoa và toàn bộ bộ phận nghiên cứu của Tổng cục Chính trị được tăng cường về cho khoa. Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Khoa Tâm lý học quân sự đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Tâm lý học quân sự cung cấp cơ sở khoa học cho xây dựng, phát huy nhân tố con người, trực tiếp góp phần xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần cho quân đội, nhất là chuẩn bị tâm lý vững vàng cho quân nhân, hạn chế những tác hại từ các thông tin xấu độc.
Chiến tranh tâm lý thời nào cũng có, nhưng trong thời đại internet phát triển, chiến trường chiến tranh tâm lý mang một diện mạo mới, được mở rộng về quy mô và phát huy tối đa uy lực của nó. Để bộ đội có sức đề kháng tốt, tạo ra sự miễn dịch tâm lý, đòi hỏi rất cần có lực lượng chuẩn bị tâm lý cho quân nhân trước tác động của chiến tranh tâm lý hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét