KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NỀN DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM
Cổ súy cho chế độ đa nguyên, đa đảng, phê phán chế độ một đảng cầm quyền, các thế lực cơ hội, chống đối luôn vu cáo, bịa đặt xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng là xã hội không dân chủ. Một trong những luận điệu đó cho rằng: Trong Điều 4 Hiến pháp 2013: hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc là cực kỳ vô lý, nếu không nói là cưỡng tình đoạt lý. Nó là thói quen độc quyền chân lý và cũng là kết quả của xã hội nhất nguyên, chuyên dùng cấm đoán để trị dân”!. Đó là những lời bịa đặt hết sức trắng trợn bất chấp thành tựu xây dựng, phát triển đất nước, thực hành dân chủ ở nước ta trong suốt 76 năm qua.
Nước ta không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là bảo thủ, mất dân chủ như các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan. Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải cứ có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với nhà nước quyết định các vấn đề của đất nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, bảo đảm cho nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ.
Trên thế giới có nhiều nước theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng về bản chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản và lực lượng ấy thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp mình. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau, mà thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực, điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong xã hội. Trong khi các nhà dân chủ giả hiệu ở Việt Nam lớn tiếng đòi xóa bỏ chế độ “đảng trị” thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng” thực tế trên thế giới cho thấy, không ít những nước mà đa đảng đi kèm với đa nguyên chính trị thường diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế, mất ổn định chính trị, thậm chí lâm vào cảnh hỗn loạn xã hội như đã từng xảy ra.
Những ai quan tâm đến dân chủ, nhân quyền đều thấy rằng nó có tiêu chí cơ bản chung mà mọi quốc gia đều phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sẽ có một “bản mẫu” có thể sao chép, so sánh, áp dụng với mọi quốc gia. Bởi lẽ, mỗi nước có một hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội, trình độ kinh tế, tập quán, truyền thống văn hóa… khác nhau. Sự áp dụng, so sánh về dân chủ, nhân quyền một cách máy móc là khiên cưỡng, lố bịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam được bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xoá bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. Thực tế những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra sự trao đổi, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Đó chỉ là một phần sự thật về dân chủ, nhân quyền và thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam trong 76 năm qua. Sự thật đó đã được cả thế giới biết đến, chỉ những ai cố tình xuyên tạc, phủ nhận với dụng ý xấu xa mới không thể nhận thấy mà thôi./.
Nhận xét
Đăng nhận xét