Cảnh giác với âm mưu gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo để chống phá


Cảnh giác với âm mưu gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo để chống phá

Quốc An

Dân tộc, tôn giáo lâu nay vẫn được xem là vấn đề nhạy cảm, bởi lẽ các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng để chống phá Việt Nam. Đặc biệt, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, tự trị là một trong những âm mưu, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Thực tế hiện nay, ở một số địa bàn miền núi, do tác động của những yếu tố khách quan là chủ yếu nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, so với mặt bằng chung đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; trình độ dân trí chưa cao, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại v.v… Lợi dụng tình hình này, những năm qua các thế lực thù địch, phản động đã núp bóng danh nghĩa tôn giáo để lập ra một số tổ chức nhằm kích động, lôi kéo, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động chống phá Đảng và chính quyền nhân dân.

Điển hình phải nhắc đến là cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, do một số đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ tuyên bố thành lập tại Tây Nguyên vào năm 1999. Cùng với lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, số đối tượng phản động lưu vong móc nối với một số phần tử phản động trong các dân tộc thiểu số tại các địa phương, đặc biệt là tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk dựng lên cái gọi là “Tin lành Đề ga”. Chúng mưu toan núp bóng tôn giáo và dân tộc để kích động, lôi kéo, tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia cái gọi là “Nhà nước Đề ga” – nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Sau khi bị ta đấu tranh ngăn chặn, gần đây, các đối tượng Fulro lưu vong lại dựng lên cái gọi là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”… Thực chất đây là các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo nhằm tập hợp, phát triển lực lượng trong đồng bào dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tương tự ở Tây Nam Bộ, các thế lực thù địch gia tăng tuyên truyền xuyên tạc, kích động tư tưởng “ly khai” trong đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, mưu toan lập ra cái gọi là “Chính phủ Khmer Krôm lưu vong”, tiến đến thành lập “Nhà nước Khmer Krôm” ở vùng Tây Nam Bộ. Còn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền, kích động, lôi kéo, chi phối đồng bào tham gia cái gọi là “Nhà nước Mông”. Chúng mưu toan phát triển cơ sở trong đạo Tin lành, dùng đạo Tin lành để tập hợp lực lượng…

Có thể thấy chiêu bài lợi dụng tôn giáo và dân tộc, gắn tôn giáo với dân tộc để chống phá là rất nguy hiểm. Để đấu tranh ngăn chặn chúng ta phải tiến hành chặt chẽ, đồng bộ nhiều biện pháp từ hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, đến công tác đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng chức năng và xử lý nghiêm minh những đối tượng cố tình vi phạm…

Nhưng trước hết là phải đẩy mạnh tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số nhận diện rõ ràng âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động. Đi đôi với đó phải thường xuyên, liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi nhận thức sâu sắc về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nhận diện rõ ràng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tích cực chấp hành, tổ chức thực hiện và nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, chủ động tham gia đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả với những luận điệu, chiêu trò lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá.

Cùng với đó cần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo bằng các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, kịp thời, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể. Đời sống ngày càng đổi mới, khởi sắc là cơ sở để củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số vào Đảng, Nhà nước và chế độ; là động lực để đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; không để các thế lực thù địch, phản động móc nối, lôi kéo, kích động, chia rẽ, phá hoại.

Mặt khác, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phải được triển khai đồng bộ với các chính sách, giải pháp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao hiểu biết pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Dân trí mở mang, sức khỏe được chăm sóc tốt, đời sống văn hóa nâng cao, kiến thức pháp luật được nâng lên… là cơ sở để đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cơ sở để đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao sức đề kháng, phòng chống mọi biểu hiện núp bóng tôn giáo, dân tộc để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM