3 VỤ VIỆC THÁCH THỨC PHÁP LUẬT VÀ SỰ NGHIÊM MINH “BẤT KỂ AI”
Ba vụ việc vi phạm của nhóm “báo sạch”, bà Nguyễn Phương Hằng, thao túng thị trường chứng khoán được nhận định có tính chất thách thức chủ trương, pháp luật, dư luận xã hội, đã được xử lý nghiêm minh.
Sáng 31/3, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao và Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhắc đến việc xử lý nghiêm minh 3 vụ việc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, 4 cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Dẫn chứng 3 vụ việc gồm: vi phạm của nhóm "báo sạch", bà Nguyễn Phương Hằng, thao túng thị trường chứng khoán, việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội rất tốt.
“Đó là 3 vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và chúng ta có cách xử lý nghiêm minh, kịp thời, có tính toán bảo đảm những yếu tố để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động, cần làm tốt trong thời gian tới", Đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Trong 3 vụ việc mà ông Thưởng nêu ra, vụ việc vi phạm của nhóm "báo sạch" đã được tòa án xét xử, 2 vụ việc còn lại đang trong quá trình điều tra.
Về vụ "báo sạch", đó là vụ án do nhóm người tạo Fanpage “Báo Sạch”, group “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Chanel”... do Trương Châu Hữu Danh đứng đầu.
Trong phiên xét xử, Hội đồng xét xử cho rằng: Đa số bài viết của bị cáo sử dụng thông tin một chiều, không kiểm chứng, dựa vào nhận định chủ quan, suy diễn của bị cáo, hướng cộng đồng mạng bình luận tiêu cực xúc phạm đến danh dự cá nhân, tổ chức. Những bài viết đó có số lượng lớn người theo dõi, chia sẻ và bình luận tiêu cực, bôi nhọ.
Cái nguy hại của nhóm này đã làm cho một bộ phận đọc giả hoài nghi chủ trương chính sách của Đảng, hoài nghi báo chính thống, hoài nghi công cuộc chống tham nhũng.
Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, theo Bộ Công an, các hành vi phạm tội của ông Quyết là "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Còn với vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng với thông điệp “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” ngày càng được hiện thực hóa. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, 4 cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Nhấn mạnh với những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và được lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt có chỉ đạo, Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, cần xử lý khẩn trương, nghiêm minh, kịp thời.
Pháp luật quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng không cho phép các hành vi công nhiên xúc phạm, nhục mạ, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước.
Với vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng đã chỉ rõ có việc một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính
Những vi phạm như vậy đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong một vụ việc, mà là trong mọi hoạt động xã hội. Ngược lại, khi bước qua lằn ranh đến mức vi phạm, thách thức chủ trương, đường lối, pháp luật và dư luận, quá trình xử lý nghiêm minh theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” sẽ được thực thi.
Nhận xét
Đăng nhận xét