Bác bỏ “khuyến nghị” đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) của USCIRF

 


Vừa qua, trong báo cáo về tình hình tôn giáo quốc tế năm 2021, USCIRF (Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế) đã “khuyến nghị” với Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC (các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). Lợi dụng báo cáo của tổ chức này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đăng tải, phát tán nhiều bài viết xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta đã bác bỏ những luận điệu của chúng.

Thứ nhất, các tôn giáo ở Việt Nam hoạt động đúng pháp luật, có những đóng góp tích cực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Theo Điều 21, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016: Tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện: Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Có hiến chương theo quy định, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương. Đối chiếu với quy định trên, hiện nay ở nước ta có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động Các tổ chức tôn giáo được công nhận cơ bản hoạt động theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch COVID-19, các tôn giáo đã có những hoạt động tích cực, phát huy tốt các nguồn lực của mình, góp công, góp của cùng cả nước đồng lòng chống dịch.

Các “tôn giáo” mà các thế lực thù địch, phản động đưa ra như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo độc lập, Pháp Luân Công, một số hệ phái, tổ chức trong các tôn giáo…. đều không đủ các điều kiện trên. Các tổ chức này thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, câu kết với các thế lực phản động ở nước ngoài tán phát các tài liệu phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, biểu tình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Họ đã không làm gì cho đất nước, cho người dân mà chỉ làm những việc trái với luân thường đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hủy hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiền của biết bao gia đình.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước ta luôn bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo

Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật và đường hướng hành đạo đã xác định. Trong thời kỳ đổi mới, các tổ chức tôn giáo có những biến đổi theo hướng đồng hành cùng dân tộc, tăng nhanh về số lượng tín đồ, các công việc nội bộ được tôn trọng, các hoạt động in ấn, xuất bản được mở rộng. Tuy nhiên, chúng ta cũng kiên quyết xử lý việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân (trong đó có đồng bào theo đạo). Thực tế cho thấy, các tổ chức, cá nhân mà các thế lực thù địch, phản động gọi là “Tù nhân lương tâm”, “Đức Tăng”.., vu cáo chính quyền “hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù và buộc từ bỏ đức tin”, “ngược đãi”, “hành hạ”, “đàn áp”, “ngồi tù dài hạn”… là hoàn toàn vu khống, suy diễn, đổi trắng thay đen đánh đồng giữa các tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật với các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm việc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Cần phải hiểu rõ mọi công dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo cũng vậy. Mọi hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Các cá nhân, tổ chức trên bị xử lý vì vi phạm pháp luật, không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào.

Như vậy, “Khuyến nghị” của USCIRF cũng như luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn, chống đối về tình hình tôn giáo ở nước ta hoàn toàn vô căn cứ, chỉ là một trong những thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà thôi. Vì thế, mỗi chúng ta phải luôn cảnh giác, nhận diện và đấu tranh bác bỏ với những âm mưu, hoạt động xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM