Hiểu đúng về tự do ngôn luận, tự do sáng tác ở Việt Nam

 


Gần đây các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn đã đăng tải nhiều bài viết cho rằng ở Việt Nam không có hạnh phúc. Chúng dẫn lời các đối tượng là văn nghệ sĩ bất mãn, thường xuyên có những lời nói, bài viết, hành động gây rối, kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa như Tuấn Khanh, Mai Khôi, Nguyễn Hữu Vinh… rồi quy chụp, xuyên tạc về hạnh phúc của người dân, nhất là tự do ngôn luận, tự do sáng tác ở Việt Nam.

Thứ nhất, bảo đảm tự do ngôn luận chứ không cổ súy thứ ngôn luận tự do vô chính phủ

Khi nói đến quyền tự do ngôn luận, một số phần tử cho rằng, tự do ngôn luận là được quyền tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin mà không chịu bất cứ sự ngăn cản nào; vì thế nếu ai hạn chế quyền đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhận thức như vậy là phiến diện, sai lầm, ngụy biện. Bởi trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối, mà chỉ có quyền tự do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn luận cũng vậy. Nếu ai cũng phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng – sai, thật – giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin, mà còn gây mất ổn định an ninh chính trị, xã hội.

Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, quyền lợi luôn gắn liền với trách nhiệm. Con người muốn có tự do phải hiểu rõ nghĩa vụ, bổn phận của mình được làm những gì, không được phép làm những gì. Công dân muốn được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin thì nhất thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật để thực hiện quyền tự do của mình nhưng không được gây hại đến quyền tự do của người khác và tác động tiêu cực đến cộng đồng, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhà nước bảo đảm tự do ngôn luận cho người dân nhưng cũng xử lý nghiêm minh hành vi tự do vô tổ chức, vô chính phủ. Lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thứ hai, tự do sáng tác phải nằm trong khuôn khổ pháp luật

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, nhất là số văn nghệ sĩ bất mãn đã ra sức hô hào, cổ vũ, đòi hỏi “tự do sáng tác” trong văn học nghệ thuật. Chúng cho rằng, văn nghệ sĩ có quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm mà không bị ràng buộc bởi pháp luật như ở phương Tây, như “hạnh phúc” mà Mai Khôi ước ao: “trong tương lai hệ thống kiểm duyệt của Việt Nam, vốn hạn chế hạnh phúc sáng tác của người nghệ sĩ, sẽ không còn tồn tại, để nghệ sĩ được tự do sáng tác, được tự do ca hát, và những người thưởng thức âm nhạc sẽ được nghe những bài hát mà trước đây bị cấm. Chắc lúc đó mọi người sẽ rất hạnh phúc”. Thực tế đã chứng minh, đó chỉ là sự dối trá, bịp bợm, núp bóng văn nghệ sĩ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà thôi.

Ở phương Tây, các tác giả trước khi hoàn thành bản thảo phải “tự kiểm duyệt”, sau đó ban biên tập nhà xuất bản sẽ tiến hành kiểm tra (kiểm duyệt nội bộ) và quyết định có được in hay không. Sau khi tác phẩm được công bố, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị tịch thu. Việc làm này dựa vào các tiêu chí mà họ đưa ra trên cơ sở của pháp luật hiện hành. Ví dụ, ở Đức, cơ sở pháp lý để nhà xuất bản kiểm tra là những điều bị cấm được quy định trong các bộ luật, như trong Bộ Luật hình sự có các tội danh: “phổ biến tài liệu tuyên truyền của những tổ chức vi hiến”, “phỉ báng Nhà nước Đức và các biểu tượng quốc gia đã quy định”…. Người đọc cũng rất ít biết về các cuốn sách bị cấm và tịch thu vì lý do chính trị. Một số nước mà các thế lực thù địch, phản động tung hô là “hình mẫu về dân chủ” thường tự hào rằng nghệ sĩ của nước họ có quyền tự do sáng tác, rồi lớn tiếng đòi hỏi các quốc gia khác cũng phải theo. Nhưng sự thực lại không như vậy, ngay tại quốc gia đó, họ lại sử dụng nhiều nguyên tắc luật pháp để quản lý quá trình sáng tác và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật. Xét đến cùng, tự do sáng tác theo quan niệm của họ cũng chỉ là chiêu bài nhằm gây sự mơ hồ về chế độ xã hội, thậm chí kích động thái độ chống đối hơn là tạo điều kiện giúp đỡ nghệ sĩ sáng tác.

Như vậy, những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động đưa ra về tự do ngôn luận, tự do sáng tác để có được “hạnh phúc” chỉ là sự lừa bịp. Phải lên án, đấu tranh bác bỏ thứ ngôn luận tự do, tự do sáng tác kiểu vô trách nhiệm, vô tổ chức, cố tình đăng tải, phát tán những thông tin sai trái, bịa đặt, đổi trắng thành đen, xuyên tạc truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, bôi nhọ anh hùng dân tộc, phỉ báng chính quyền, sử dụng chiêu bài tự do thông tin, tự do ngôn luận để lèo lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, đen tối và tạo ra một góc nhìn sai lệch về Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM