Không thể xuyên tạc chủ trương, chính sách hợp lòng dân
Không thể xuyên tạc chủ trương, chính sách hợp lòng dân
Dương Phương Duy
Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh công tác cán bộ là “khâu then chốt của mọi then chốt”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là cơ sở để đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu toàn Đảng phải chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo” Bác, gắn với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đây là cơ sở lý luận – thực tiễn rất quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bác bỏ mọi quan điểm sai trái, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, khi cho rằng Đảng ta “không đủ năng lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, “Đảng không đủ phẩm chất lãnh đạo đất nước”, v.v..
Những điểm mới nổi bật và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong Kết luận số 21-KL/TW
So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Đảng thể hiện rõ thái độ, quan điểm, lập trường và quyết tâm chính trị của Đảng ta về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng với một số điểm mới cần nắm vững:
(1) Mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
(2) Thể hiện rõ quan điểm, lập trường và quyết tâm chính trị nhất quán, quyết liệt hơn, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân…
(3) Mục tiêu được xác định cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Điểm mới nổi bật trong mục tiêu trên là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
(4) Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là toàn diện, đồng bộ và sắc bén hơn. Nếu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thì lần này, Kết luận Trung ương 4 khóa XIII đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn:
Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là giải pháp mới, rất hợp lòng dân.
Ba là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước hết là: (1) Rà soát, thể chế hoá, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. (2) Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng cơ chế chú trọng phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. (3) Nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. (4) Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật: đầy đủ, đồng bộ, công khai, minh bạch; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm. (5) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, cơ sở vật chật,…
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã bổ sung nội dung “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”. Đây là một trong những điểm mới nổi bật.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó: (1) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. (2) Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, đối thoại với công dân.
Những điểm mới nổi bật trong Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm: sự hội tụ “ý Đảng – lòng Dân”
Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm (gọi tắt là Quy định số 37-QĐ/TW) giữ nguyên 19 điều như trước đây nhưng đưa nội dung của 2 điều vào những điều khác và thêm 2 điều mới; kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng phù hợp với tình hình mới. Cụ thể như sau:
Một là, đưa nội dung của 2 điều vào các điều khác, đó là: (1) Đưa nội dung của Điều 7 trong Quy định số 47: “Đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” vào Điều 2, Quy định số 37; (2) Đưa nội dung Điều 10, Quy định số 47: “Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định. Lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác” vào nội dung Điều 12 và Điều 13, Quy định số 37.
Hai là, bổ sung 2 điều mới, cụ thể là: (1) Bổ sung Điều 3, Quy định số 37: quy định về những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. (2) Bổ sung Điều 13, Quy định số 37: đảng viên không được “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.
Ba là, Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung vào một số điều so với Quy định số 47-QĐ/TW với nội dung “cấm đảng viên” như sau: (1) Điều 6: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý”; (2) Điều 9: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”; (3) Điều 11: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”; (4) Điều 12: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Có hành vi chạy chức, chạy quyền”; (5) Điều 14: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Tham ô”; (6) Điều 18: Bổ sung nội dung cấm đảng viên “Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”.
Bốn là, thay đổi thứ tự một số điều không được làm, như Điều số 2 trong Quy định số 47 là đảng viên không được “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước…” trong Quy định số 37-QĐ/TW được xếp ở Điều 4.
Năm là, chính xác hóa thể thức văn bản và diễn đạt một số điều cho chặt chẽ hơn và biên tập, diễn đạt một số điều cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Rõ ràng, hai văn bản nêu trên là minh chứng sinh động, đầy thuyết phục để bác bỏ mọi chiêu trò xuyên tạc, nói xấu, hạ thấp uy tín, vị thế và tầm ảnh hưởng to lớn, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo mà những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đang ra sức tuyên truyền trên mạng xã hội.
Điều đó chứng tỏ rằng, ở Việt Nam mọi sự bịa đặt, tung tin sai trái không thể lừa bịp được nhân dân. Bởi nhân dân luôn bênh vực, bảo vệ và đứng về lẽ phải, tin tưởng và hết lòng ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vì nó hợp lòng dân.
Đúng là, sự thật không thể xuyên tạc; chân lý khoa học không thể “bẻ cong”. Sự chống phá, xuyên tạc của những người có tâm địa xấu không thể ngăn bước, cản đường đi tới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân ta./.
Nhận xét
Đăng nhận xét