“Gây sóng từ bên ngoài” để “tạo bão ở bên trong” – Một thủ đoạn chống phá Việt Nam nguy hiểm
Lợi dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã triệt để khai thác internét, mạng xã hội, đài báo nước ngoài phản động để thực hiện “chiến dịch” tuyên truyền, phát tán tài liệu và các thông tin xấu, độc, chống phá Việt Nam, hướng mũi tấn công vào phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Biểu hiện mới của thủ đoạn chống phá nổi lên nhiều điều đáng lo ngại, chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những tác động tiêu cực của những thông tin xấu, độc.
Những luận điệu sai trái, thù địch, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chia rẽ Đảng và Nhà nước, chống phá chế độ ta
Với tích cũ, chiêu trò mới, những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta “mượn gió bẻ măng”, mở “chiến dịch” chống phá Việt Nam. Lật tẩy chiêu trò này có thể điểm mặt, đặt tên các thủ đoạn thâm hiểm sau đây:
(1) Cố ý thổi phồng, tạo sóng, đẩy nóng cuộc xung đột Nga và Ucraina để “tung hỏa mù”, “gây rối xã hội Việt Nam” thông qua việc sử dụng nhiều từ ngữ mưu tả về cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina với thái độ thiếu thiện chí, mang tính kích động, như: “xâm lược”, “xâm lăng”, “cướp bóc”, “tàn sát”… nhằm hướng lái dư luận xã hội theo chiều hướng khẳng định “Nga xâm lược Ucraina”, “nước lớn xâm lược nước bé”, “cá lớn nuốt cá nhỏ”; từ đó “đổ thêm dầu vào lửa”, tạo sóng dư luận: “phản đối Nga, ủng hộ Ucraina”, “đề cao vai trò của NATO”, của phương Tây trong gìn giữ hòa bình, v.v..
(2) “Đục nước béo cò”, “mượn gió bẻ măng”, “từ chuyện này bày ra chuyện khác”, từ châu Âu sang châu Á, cố tình kích động, tạo mâu thuẫn, gây hận thù giữa các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam, bằng cách suy diễn rằng cuộc xung đột Nga – Ucraina “giống” cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của Việt Nam chống Trung Quốc. Từ đó, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, nhất là với Trung Quốc. Hơn thế, họ còn nói “bóng gió” rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam “sợ Trung Quốc”, “Quân đội Việt Nam không dám chống bọn cướp Biển Đông”, gây tâm lý “bài Trung, thân Mỹ”, kích thích sự nổi loạn, phá đám của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ.
(3) Tung tin phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cho rằng “Việt Nam vô cảm, vô ơn”, “thờ ơ với thời cuộc”, nhất là sau khi Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống tại Liên hợp quốc nói rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga – Ucraina, xuyên tạc, bóp méo lập trường, quan điểm của Việt Nam, cho đó là quan điểm “chung chung, không kiên quyết, không dứt khoát”, “Đảng, Nhà nước Việt Nam theo chủ nghĩa ba phải”; chia rẽ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc…; cho rằng Việt Nam “tự cô lập mình”, “hô hào hội nhập quốc tế là giả hiệu”…để hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
(4) Kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ vùng miền, đối lập văn hóa, phong tục, tập quản ba miền Bắc – Trung – Nam, chia tách mối quan hệ giữa người trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài bằng chiêu trò tung tin bịa đặt về việc người dân miền Nam “đa phần phản đối Nga”, một bộ phận lớn người dân miền Bắc đã từng học tâp, làm việc ở Liên Xô, “có hơn huệ với Nga” để ám chỉ một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an qua các thời kỳ đã “làm ngơ”, “im lặng trước hành động quân sự của Nga vì lý do cuồng Nga”, “ăn bơ thừa sữa cặn của Nga”…
(5) Chỉ trích, phản đối chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là “cứng nhắc”, “không phù hợp” với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, “không hợp lòng dân”. Kêu gọi Đảng, Nhà nước phải “đổi mới tư duy”, “thay đổi chính sách quốc phòng “bốn không” cho “linh hoạt, mềm dẻo”, “Việt Nam cần có liên minh quân sự với các nước khác để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa, ăn hiếp của nước lớn”. Cùng với đó, một số người còn xuyên tạc rằng “Việt Nam và Nga sắp tập trận quân sự chung”, khiến dư luận lầm tưởng Việt Nam “đứng về phía Nga, ủng hộ cuộc xung đột tại Ucraina”, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước Việt Nam – Ucraina.
Rõ ràng, với lối tư duy ngụy biện, phiến diện, một chiều, chủ quan duy ý chí, họ đã “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, “chỉ biết một mà không biết hai”, từ phản biện, họ đã rơi vào ngụy biện phản động, cố tình xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen, đã “nói lấy được” sặc giọng điệu vu khống, khiêu khích, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thái độ, quan điểm sai trái ấy là thiểu số, hoàn toàn vô lý, không thể chấp nhận; nhân dân Việt Nam và cả hệ thông chính trị Việt Nam cực lực phản đối. Những người chống phá Việt Nam đã chà đạp lên lẽ phải, chân lý và đạo lý, coi thường kỷ cương, phép nước, làm trái lương tâm. Sự thật như thế nào, chúng ta như thế nào cả thế giới đều biết; thời gian và lẽ phải nói lên tất cả. Đáng thương thay cho những kẻ đã bán mình cho “quỷ sứ”, làm những điều “phi nhân tính”, hại nước hại dân.
Nhìn nhận đúng, quan điểm rõ ràng, đối sách phù hợp để giữ “trong ấm ngoài êm”
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, các thông tin xấu, độc, nhất là trước diễn biến mau lẹ, phức tạp của cuộc xung đột Nga và Ucraina, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các ban, ngành, địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời định hướng thông tin, tuyên truyền, tránh tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ucraina đến nội bộ ta về mặt tư tưởng và đời sống xã hội.
Các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội đã kịp thời chấn chỉnh tình hình, thống nhất biện pháp đưa tin, phòng tránh sai lệch, mất cân bằng, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Chúng ta đã tạo được dư luận tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với công tác đối ngoại quốc phòng, giữ yên bờ cõi; không để xảy ra các tình huống xấu, bất ngờ, phức tạp về an ninh chính trị, làm xáo trộn cuộc sống, công tác đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam, giữ được “trong ấm, ngoài êm”.
Công tác thông tin, tuyên truyền miệng, trên báo chí, mạng xã hội đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Ban Tuyên giáo Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Công tác nắm tình hình nội bộ, định hướng chính trị, hướng dẫn dư luận xã hội được coi trọng, nội bộ ta ổn định, đoàn kết, nhất trí cao nên phòng tránh được những sơ hở, không để các thế lực thù địch, báo đài nước ngoài lợi dụng khai thác, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Những điều rút ra và bài học về xử lý tình huống để an dân, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia – dân tộc, cuộc sống an bình của người dân
Phân tích thấu đáo tình hình, các luồng dư luận xã hội và nguyên nhân cuộc xung đột Nga – Ucraina, chúng ta rút ra nhiều điều sâu sắc, đó là: Bất kể sự lệ thuộc nào của một quốc gia – dân tộc hay quân đội vào một nước khác với sự kỳ vọng ảo tưởng họ sẽ giúp mình một cách vô tư, trong sáng từ bên ngoài chắc chắn sẽ bị thao túng, đánh mất quyền tự quyết, quyền làm chủ, quyền tự điều khiển, dẫn đến những sai lầm về đường lối chính trị và chính sách đối ngoại của lãnh đạo khi biến quốc gia của mình thành chiến trường, thực hiện cuộc chiến tranh ủy nhiệm với những hậu quả hết sức tàn khốc. Việc làm đó là sai trái, có lỗi với lịch sử, các bậc tiền nhân và nhân dân cần phải tránh xa.
Bài học rút ra từ thực tiễn cuộc xung đột nêu trên và cách ứng xử khôn khéo của Việt Nam là:
(1) Lợi ích quốc gia – dân tộc; độc lập, tự do, quyền tự quyết dân tộc phải được đặt lên trên hết và trước hết. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải tránh được sự lệ thuộc và bị chi phối bởi nước khác. Cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm của ông cha ta “Bán anh em xa – Mua láng giềng gần”, “Nước xa không cứu được lửa gần”, lấy nó làm phương châm nhận thức và hành động…để tránh mọi sai lầm đáng tiếc từ sớm, từ xa.
(2) Chủ quyền quốc gia – dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; không thể lấy nó ra để mặc cả, đổi chác về đất đai, lãnh thổ, quyền tự quyết dân tộc.
(3) Giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng về quyền lợi kinh tế và lợi ích chính trị phải thông qua đối thoại hòa bình, tránh đối đầu quân sự; tránh đổ máu, hy sinh; kiên định chính sách quốc phòng “bốn không” là sự khôn ngoan để gìn giữ hòa bình; “không đổi máu lấy đô la và kinh tế”.
(4) Luôn đề cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” và các chiêu bài “tự do, dân chủ”, “nhân quyền”; “dân tộc”, “tôn giáo”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; tránh sự can thiệp vào công việc nội bộ và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
(5) Quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; tiếp tục mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, liền kề, các nước lớn có ý nghĩa chiến lược, là vấn đề sống còn, thượng sách để giữ hòa bình; Việt Nam kiên quyết tránh việc chọn phe, chỉ chọn lẽ phải trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
(6) Nhận diện rõ hơn nữa bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Xây” là chính để giữ vững bên trong, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để tăng sức đề kháng, có được “sự miễn dịch” tốt nhất trước mọi sự tác động từ tiêu cực từ bên ngoài. “Chống” là phải phát hiện kịp thời các nguy cơ gây họa cho đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chống tham nhũng, tiêu cực “giặc nội xâm”, để an lòng dân, có được “trong ấm, ngoài êm”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy./.
Nhận xét
Đăng nhận xét