Bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam


Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một trong những âm mưu, hoạt động hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, phản động. Vừa qua, Đài Á Châu tự do (RFA) đã đăng tải trên mạng xã hội bài viết: “Hai dự thảo mới về Tín ngưỡng – Tôn giáo: khắt khe hơn nhiều so với nay” có nội dung xuyên tạc chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Chúng cho rằng, hai dự thảo mới về tín ngưỡng, tôn giáo (thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12 năm 2017 về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo) là “một bước lùi về chính sách tôn giáo”, “bóp nghẹt tự do tôn giáo” và “đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn”. Thực tế đã bác bỏ những luận điệu trên.

Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo là cơ sở thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật là một chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, điển hình là ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 cùng nhiều văn bản, hướng dẫn khác nhằm thực hiện ngày một tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân.

Những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật và đường hướng hành đạo đã xác định. Trong thời kỳ đổi mới, các tổ chức tôn giáo có những biến đổi theo hướng đồng hành cùng dân tộc, tăng nhanh về số lượng tín đồ, các công việc nội bộ được tôn trọng, các hoạt động in ấn, xuất bản được mở rộng. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện còn có những vấn đề bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ thực tiễn sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo,… Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về tôn giáo hiện nay là yêu cầu khách quan, phù hợp với thực tiễn. Việc làm này nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân chứ hoàn toàn không là “một bước lùi về chính sách tôn giáo” hay “bóp nghẹt tự do tôn giáo” như luận điệu của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc.

Thứ hai, cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam

Đi đôi với đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, Đảng, Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trong thời gian qua, chúng ta đã kiên quyết xử lý các vụ việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân (trong đó có đồng bào theo đạo). Các tổ chức, cá nhân mà các thế lực thù địch, phản động gọi là “Tù nhân lương tâm”, “Đức Tăng”.., vu cáo chính quyền “hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù và buộc từ bỏ đức tin”, “ngược đãi”, “hành hạ”, “đàn áp”, “ngồi tù dài hạn”…: Pháp Luân Công, các phần tử chống đối trong các tôn giáo, một số chức sắc, tín đồ ở Tây Nguyên, Tây Bắc, các vụ liên quan đến đất đai của một số tổ chức tôn giáo… là hoàn toàn vu khống, suy diễn, đổi trắng thay đen. Dư luận đều biết rõ về những vụ việc, tổ chức và cá nhân này. Họ thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, câu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài tán phát các tài liệu phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Xét ở khía cạnh này cho thấy, họ đã không làm gì cho đất nước, làm cho người dân được bình an, hạnh phúc mà chỉ làm những việc trái với luân thường đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiền tài của biết bao gia đình. Ở bất cứ quốc gia nào cũng như ở Việt Nam, công dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo cũng vậy. Mọi hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Các cá nhân, tổ chức trên bị xử lý vì vi phạm pháp luật, không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào, hoàn toàn không có chuyện “đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn” ở Việt Nam.

Như vậy, những nội dung trong bài viết “Hai dự thảo mới về Tín ngưỡng – Tôn giáo: khắt khe hơn nhiều so với nay” chỉ là những luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách, pháp luật về tôn giáo ở nước ta của các thế lực thù địch, phản động mà thôi, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM