Những thành tựu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam là thực tế không thể xuyên tạc, phủ nhận

 


Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định, hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ… bảo đảm bền vững, công bằng; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Nhờ đó, đã đạt được kết quả cụ thể trên một số lĩnh vực như sau:

Công tác giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân đã đạt được những kết quả tích cực. Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Giai đoạn 2015 – 2020 đã tạo việc làm cho khoảng 7,854 triệu người, trong đó, giải quyết việc làm trong nước khoảng 7,234 triệu người, đưa khoảng 620.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước đạt 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%  năm 2020, tăng so với năm 2015 (19,9%). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 trên 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%; trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%.

Hệ thống bảo hiểm xã hội ngày càng phát triển, bao phủ đến nhiều đối tượng. Hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng. Giai đoạn 2019-2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm bình quân 1,2 triệu người/năm, thêm khoảng 90,3 nghìn người hưởng chế độ hưu trí mỗi năm và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740 nghìn người. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện có hiệu quả.

Chính sách ưu đãi, trợ giúp người có công và đối tượng yếu thế ngày càng hoàn thiện và đạt được kết quả tích cực. Chính sách ưu đãi với người có công không ngừng được đảm bảo; mở rộng và thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, ngành, đoàn thể, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện, đã huy động toàn xã hội tham gia chăm sóc gia đình chính sách, người có công. Đến nay, “cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, có khoảng trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 600.000 bệnh bimh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ,… trên 1,2 triệu người có công, thân nhân người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng”.

Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất đối với những người gặp khó khăn, rủi ro trong cuộc sống được thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ cho người nghèo và người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và huy động hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Trong thời gian dịch Covid-19, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Nổi bật là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp ủng hộ, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn khi bị ảnh hưởng của bão lũ, dịch bệnh; ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19…

Nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được mở rộng và xã hội hóa. Nguồn lực cho an sinh xã hội đạt mức độ xã hội hóa cao về tài chính và tổ chức thực hiện. Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác. Mặt khác, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là trong những thời điểm diễn ra thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần, truyền thống ấy càng được thể hiện rõ và phát huy cao độ.

Những thành quả trong thực hiện chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội đạt được đã góp phần hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm và “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Thực hiện quan điểm Đại hội XIII của Đảng “thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội”; góp phần phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân trước những biến động của kinh tế – xã hội, môi trường, dịch bệnh; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng là minh chứng xác đáng bác bỏ mọi luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM