KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Gần đây, bài viết “Tổng bí thư cần cúi đầu nhận lỗi trước quốc dân” của Nguyễn Nam đang được tán phát rộng rãi trên nhiều diễn đàn phản động. Dưới lời lẽ không nhằm đả kích chính khách, mà chỉ cảnh báo, Nguyễn Nam đã có góc nhìn sai lệch về cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để minh chứng cho những luận điệu phủ nhận, hạ thấp giá trị cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Nam đã viện dẫn một số vấn đề kinh tế, xã hội nổi cộm trong xã hội thời gian gần đây. Điển hình như sự việc cán bộ, nhân viên y tế ở nhiều địa phương xin thôi việc, bỏ việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập; hay việc giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn; lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao, và áp lực tăng trở lại… Từ những sự kiện đó, Nguyễn Nam kết luận: diện mạo của đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam dường như không hề lạc quan về nguyên tắc lý luận lẫn thực tiễn như những gì mà chính khách Nguyễn Phú Trọng đã từng viết…Và, rất cần xem lại về giá trị thực tế của cuốn sách. Những luận điệu hết sức hàm hồ này sẽ gây nên nhận thức sai lệch cho một bộ phận quần chúng trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến việc triển khai học tập, quán triệt nội dung cuốn sách trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; những nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở trong nước còn hiện hữu, vấn đề cấp thiết là chúng ta phải nhận thức sâu sắc, toàn diện và trả lời thấu đáo những câu hỏi lớn. Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua đặt ra vấn đề gì? Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp chúng ta giải đáp kịp thời những câu hỏi đó. Trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nước ta tất yếu gặp phải những trở ngại, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh. Những khó khăn, thách thức đã được Đảng ta nhìn nhận và có chủ trương giải quyết phù hợp; Nhà nước đã kịp thời ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế – xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nảy sinh, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid – 19, cuốn sách của Tổng Bí thư đã như một “cẩm nang” chỉ đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc Nguyễn Nam “viện dẫn” một số vấn đề kinh tế, xã hội nảy sinh trước mắt, có thể được giải quyết triệt để làm “căn cứ” để phủ nhận giá trị lý luận, thực tiễn công trình của Tổng Bí thư là không thể chấp nhận được. Đây là góc nhìn hoàn toàn sai lệch, phiến diện, thể hiện thái độ thiếu thiện chí của người viết.
Chúng ta cần nhận thức rõ, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, thể hiện rõ tâm, tầm, trí của Tổng Bí thư. Công trình này có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết sâu sắc thực tiễn phát triển sáng tạo riêng có của Đảng ta về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những vấn đề lý luận tưởng chừng “khô khan” với nhiều người đã được Tổng Bí thư trình bày khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ, có tính thuyết phục cao, sức lôi cuốn lớn không chỉ với cán bộ, đảng viên mà còn với các tầng lớp nhân dân. Cuốn sách không chỉ có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa trong nước mà còn đặc biệt thu hút sự quan tâm của chính giới và các nhà khoa học ở nước ngoài. TS. Ruvislei González Saez, Trưởng Ban Nghiên cứu châu Á-châu Đại Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Quốc tế (CIPI) của Cuba khẳng định, công trình này “có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận-thực tiễn”, “là tài liệu tham khảo cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới phấn đấu cho sự phát triển của các xã hội công bằng nhất”. Đồng quan điểm, GS.TSKH. Andrey Vassoevich, Viện trưởng Viện Đông Phương học, Đại học Sư phạm quốc gia A.I.Herzen, Liên bang Nga cho rằng: “Quan điểm của Tổng Bí thư về phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội là ý tưởng gần gũi không chỉ với hàng triệu người Việt Nam, mà còn với đông đảo người dân trên thế giới”. Bên cạnh đó, không khó để tìm thấy những bài viết, dòng cảm xúc, bình luận được đăng tải trên báo chí, mạng internet, diễn đàn mạng xã hội thể hiện sự đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước về cuốn sách của Tổng Bí thư. Sự thật khách quan đó đã phủ nhận mọi lời lẽ xuyên tạc, hạ thấp giá trị của tác phẩm và vị thế, uy tín cá nhân Tổng Bí thư như Nguyễn Nam và các thế lực thù địch, chống đối
Nhận xét
Đăng nhận xét