PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA PHẠM TRẦN VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Thật nực cười khi Đề án được xác định là chiến lược, trọng tâm của đổi mới chính trị tại Việt Nam, nhằm xây dựng và phát triển đất nước thì Phạm Trần lại cho là: Đảng đã “cạn tàu ráo máng” hay sao mà mang “chuyện cũ” để “đem ra bàn cãi”? Đề án chỉ là “lý luận xuôi chiều”, là chuyện “hão huyền”, “mơ hồ – không tưởng”. Y còn trắng trợn xuyên tạc: “Nhà nước ở Việt Nam thời Cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là của Đảng, do Đảng và vì Đảng”; “dân không bầu ra nhà nước này mà do Đảng lập ra để cai trị độc tài”; “Tất cả các ứng viên là do Đảng chọn, dân chỉ làm nhiệm vụ “đảng cử dân bầu” cho xong chuyện… Xuyên suốt bài viết, chúng ta dễ dàng nhận ra thủ đoạn tinh vi của Phạm Trần là lợi dụng và phát tán những thông tin đã được các cơ quan truyền thông chính thức của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã đăng tải, rồi đưa ra những bình luận thiếu khách quan, với thái độ hằn học cá nhân, cố tình xuyên tạc sự thật, phủ nhận quan điểm, chủ trương của Đảng và thành tựu của đất nước. Mục đích cuối cùng vẫn quay về cái đích mà các thế lực thù địch và Phạm Trần mong muốn: Đảng phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo; phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Chúng ta đều biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước vào thực tiễn xây dựng nhà nước kiểu mới ở nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) thông qua tại Đại hội XI của Đảng, đã xác định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng là xu thế khách quan, tất yếu mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Theo đó, các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đều được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân.
Sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong những năm qua là minh chứng sinh động về Nhà nước ta đã, đang thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; do nhân dân xây dựng; hoạt động vì mục tiêu ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thực tế này phản bác, phủ nhận ý đồ đen tối của Phạm Trần và các thế lực thù địch muốn thay đổi thể chế nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bằng mô hình nhà nước “tam quyền phân lập” mà thực chất là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, hướng lái Việt Nam phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không để mắc mưu các thế lực thù địch./.
Nhận xét
Đăng nhận xét