CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, BÁO CHÍ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Trên trang “Tintuchangngayonline. Com”, bút danh Tân Thành có bài viết “Tự do ngôn luận ở xứ sở mà chính quyền là ông chủ”, rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; chính quyền bắt bớ các “Nhà hoạt động” dân chủ… Bài viết đã cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do ngôn luận, báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế. Đồng thời, cổ xúy cho hoạt động chống phá của cái gọi là “Hội nhà báo Độc lập”; các Bloger mà chúng gọi là “Nhà hoạt động”… Trên thực tế, đó là những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Chúng ta, những công dân Việt Nam, dù hoạt động trên bất cứ lĩnh vực nào, ở đâu, thời gian nào cũng phải hết sức cảnh giác, nhận diện rõ những luận điệu bóp méo, xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, báo chí của các lực lượng này. Những thủ đoạn, mưu đồ chống phá của chúng, từ việc xuyên tạc khái niệm tự do báo chí đến việc viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào.
Xin được khẳng định lại Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966: “Quyền tự do báo chí, ngôn luận, còn bị hạn chế bởi quy định là: không được vi phạm “quyền, uy tín cá nhân” (người khác); không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng”. Mặt khác, hành lang pháp luật về báo chí của Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ với tư duy mới về quyền con người, bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bao gồm cả tự do internet, mạng xã hội.
Luật Báo chí của Việt Nam (2016) quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; có nhiệm vụ, quyền hạn: Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Đồng thời, Luật báo chí cũng có quy định cấm báo chí không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Điều 4, Nghị định số 13/2118/NĐ-CP, ngày 23/01/2018 của Chính phủ cũng đã quy định: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm “Cung cấp thông tin theo yêu cầu cho công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục nhất định”. Hiện nay, hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; một kênh thông tin quan trọng tạo ra sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hơn thế nữa, báo chí còn là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đó là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt” quyền tự do báo chí của nhân dân.
Thời gian qua, bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam đã tập trung xử lý các đối tượng lợi dụng phương tiện này để phục vụ cho mưu đồ chống phá, vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật Việt Nam, điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cần phải bị bác bỏ, lên án./.
Nhận xét
Đăng nhận xét