Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước và thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam
Lợi dụng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vừa qua, trên trang “Quyenduocbiet. com” có bài viết: “Chuyến công du thảm hại” của Nguyên Anh, không những đã phủ nhận kết quả chuyến thăm, mà sâu xa hơn, còn thể hiện sự suy diễn cá nhân của Y, cố tình hạ thấp sự phát triển lớn mạnh, vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Nội dung trong bài viết, chứa đựng những lời lẽ miệt thị, chế giễu hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, kích động mâu thuẫn quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Trung Quốc, nên cần đấu tranh bác bỏ và khẳng định vấn đề sau:
Thứ nhất, ngoại giao hữu nghị, củng cố niềm tin chính trị là mục đích chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc. Việc phía Trung Quốc, đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm ngay sau thành công của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Đây là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có ý nghĩa tăng cường truyền thống hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện trước yêu cầu mới của thực tiễn. Trong thời gian ở Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tăng cường trao đổi chiến lược, thông báo cho nhau về những thành quả trong phát triển sự nghiệp của mỗi Đảng, mỗi nước; khẳng định ủng hộ nhau vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu phát triển mà hai Đảng đã xác định.
Thứ hai, ngoại giao tăng cường sự đoàn kết, thúc đẩy hợp tác, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam. Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận, báo chí hai nước và quốc tế phản ánh, đánh giá cao. Hãng thông tấn Riafan của Nga đã đăng tải bài viết của nhà khoa học chính trị, lịch sử – Anton Bredikhin, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Arkhont, đã khẳng định: trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc góp phần tích cực vào việc tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Trên Báo Độc Lập, chuyên gia Grigory Trofimchuk – nhà phân tích chính trị quốc tế đã nêu bật ý nghĩa chuyến thăm và cho rằng quan hệ tích cực giữa hai đảng là điều kiện thuận lợi cho hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Các hãng tin lớn của nước Anh, nước Mỹ cũng đăng tải nhiều tin tức, kết quả, ý nghĩa của chuyến thăm. Theo các hãng tin này, Trung Quốc đã dành sự đón tiếp trọng thị đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ giữa hai bên; Việt Nam và Trung Quốc là hai đối tác truyền thống lâu đời và hai bên mong muốn duy trì mối quan hệ này vì lợi ích phát triển của nhân dân hai nước. Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, Báo “Bắc Kinh buổi tối”, Nhân Dân nhật báo, Đài CTTV đều cho rằng chuyến thăm đã củng cố truyền thống hữu nghị, tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy tin cậy chính trị, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt tiến lên một giai đoạn mới. Thực tiễn trên, đã bác bỏ luận điệu chụp mũ và bôi nhọ của Nguyên Anh, khi Y cho rằng ý nghĩa của chuyến thăm là “đi chầu TQ như một quốc gia chư hầu”; “một tương lai lệ thuộc hoàn toàn vào Tàu cộng” trong bài viết của Y.
Thứ ba, ngoại giao là một phương thức giữ gìn độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Kế thừa truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập, quyền tự chủ vận mệnh của mình, ngay từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Việt Nam đã là một nước độc lập, tự chủ và quyết đem tính mạng, của cải đề giữ vững sự độc lập đó. Thấm nhuần điều này, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cụ thể hóa bằng đường lối, chủ trương lãnh đạo đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại – một phương thức giữ gìn độc lập, tự chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia – dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu hoạt động đối ngoại nhằm bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi với phương châm độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Điều này, khẳng định những lý do, căn cứ mà Nguyên Anh đưa ra về chính trị, quân sự, kinh tế để chứng minh “ước mơ”, “động cơ” “sáp nhập Việt Nam” “trở thành một khu đặc khu tự trị trực thuộc Trung Quốc” trong bài viết của Y là những luận điệu bôi nhọ, chống phá, trơ trẽn và lạc lõng.
Như vậy, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong tình hình mới; thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác trước những luận điểm suy diễn, xuyên tạc và lợi dụng chuyến thăm để hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam và tích cực đấu tranh với những bài viết kích động mâu thuẫn trong quan hệ ngoại giao Việt – Trung mà Nguyên Anh và những kẻ như Y đã, đang rêu rao, đăng tải./.
Nhận xét
Đăng nhận xét