Cảnh giác những chiêu trò lợi dụng tổ chức người lao động để chống phá Đảng, Nhà nước

 Phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, quyết liệt và trắng trợn hơn. Hoạt động chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm. Chúng lợi dụng mâu thuẫn giữa người lao động với người sử dụng lao động để tuyên truyền kích động tụ tập đông người, kéo đi khiếu kiện, đình công...

Ảnh minh họa

Hiện nay, một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã xác định mục tiêu tổng quát: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực hiện chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”. Tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đích thực, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là việc các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá nhằm phủ định giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả cách mạng, gây nhiễu loạn tư tưởng, làm lệch lạc nhận thức, hoang mang, dao động, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cuối cùng tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị ráo riết tuyên truyền, chủ yếu tác động về mặt tâm lý, kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ nhẹ dạ, cả tin để chống phá. Chúng tập trung móc nối, lôi kéo mọi giai tầng xã hội nhằm hình thành lực lượng chính trị đối lập.  

Nhớ lại giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng thù địch, chống đối đã đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc những biện pháp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện giãn cách xã hội, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, quyền con người, đàn áp các quyền tự do cơ bản của người dân, không bảo đảm quyền của người lao động… Chúng tự cho mình là nhân văn, tiến bộ và có quyền “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, rêu rao quan điểm “quyền con người không có biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”... nhưng thực chất đây chỉ là lớp bỏ bọc để ngụy trang, che đậy cho những âm mưu, toan tính chính trị đen tốiĐối tượng mà chúng hướng đến không chỉ là người dân nói chung mà còn có người lao động, công nhân ở các công ty, doanh nghiệp. Sự việc tương tự cũng diễn ra với các vụ tập trung đông người tại Bình Thuận, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Các thế lực thù địch thường nhằm vào đối tượng người lao động để kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta, với mong muốn phá hoại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế thị trường phát triển chệch hướng XHCN.

Nguyên nhân tại sao các thế lực thù địch, phản động lại dành quan tâm, hướng tới lợi dụng người lao động? Điều này xuất phát từ góc độ người lao động là lực lượng rất đông đảo trong xã hội. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 3 triệu người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Đa số người lao động thường làm việc tập trung tại các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp lớn với số lượng lao động đông lên đến hàng nghìn và hàng chục nghìn người. Nhìn chung đời sống của người lao động ở nước ta tuy đã có nhiều cải thiện so với trước nhưng vẫn còn khó khăn; trình độ, kiến thức và hiểu biết của người lao động không đồng đều, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và trình độ học vấn còn chưa cao, nhiều người thiếu hiểu biết về xã hội cũng như các vấn đề chính trị quốc tế và trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở và các tổ chức đại diện của người lao động trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động chưa được như mong muốn. Công tác tham mưu, phối hợp nắm tình hình để giải quyết các vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động của công đoàn còn có những mặt bất cập, hạn chế, chưa kịp thời. Lợi dụng thực tế đó, các thế lực thù địch tìm cách tuyên truyền kích động người lao động, khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người lao động với giới chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động; xuyên tạc chủ trương, đường lối trong triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta; tập hợp lực lượng, âm mưu từ tụ tập đông người hòa bình chuyển hóa sang bạo loạn hòng lật đổ chính quyền nhân dân, chống phá Đảng, Nhà nước. Không chỉ dừng lại ở một khu công nghiệp, một doanh nghiệp ở một địa phương, các thế lực thù địch luôn tìm cách lan rộng việc đình công, bãi công đòi quyền lợi của người lao động sang các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp và địa phương khác, làm gia tăng mức độ phức tạp của tình hình, gây mất trật tự công cộng, qua đó tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, quyết liệt và trắng trợn hơn. Hoạt động chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm. Chúng lợi dụng mâu thuẫn giữa người lao động với người sử dụng lao động về các vấn đề như: Tiền lương thấp, giờ làm chưa hợp lý, áp lực công việc và doanh số quá cao, thưởng tết thấp hoặc trừ các khoản phụ cấp một cách vô lý, khó hiểu, các quy định cứng nhắc, khắt khe, chất lượng bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm các quy định về an toàn lao động... từ đó kích động người lao động tụ tập đông người, kéo đi khiếu kiện, đình công.

Đình công là hiện tượng khách quan, phổ biến, xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đình công là vũ khí mà tập thể người lao động sử dụng để gây sức ép nhằm đạt được những yêu cầu đặt ra trong quan hệ lao động. Ở góc độ tích cực, đình công có ý nghĩa quan trọng không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động góp phần tạo ra môi trường lao động dân chủ, công bằng, bình đẳng mà còn nhằm tìm ra những giải pháp hay cho các vấn đề về chính sách kinh tế - xã hội. Bản chất của đình công là một hình thức đấu tranh có tổ chức, hòa bình, công khai của người lao động. Chính bản chất này đã giúp cho đình công được các quốc gia trên thế giới công nhận, ủng hộ, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Nhưng điều đáng nói là trên thực tế các thế lực thù địch thường tìm cách móc nối với những lao động đứng ra tổ chức các cuộc đình công, bãi công, nhất là các đối tượng quá khích để tác động, lôi kéo, đồng thời lợi dụng triệt để mạng internet, các ứng dụng Zalo, YouTube, Facebook, blogger… xuyên tạc và tập hợp những người lao động thành lập “Công đoàn độc lập Việt Nam”. Việc các thế lực xấu kêu gọi thành lập “Công đoàn độc lập” để bảo vệ quyền lợi của người lao động nghe qua có vẻ hợp lý, song ẩn chứa đằng sau đó là những âm mưu, toan tính thâm độc, hòng từng bước luồn lách một cách tinh vi, hướng tới thành lập một “tổ chức chính trị” đối lập nhằm chống đối lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiến tới xóa bỏ công đoàn cơ sở và cuối cùng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua nghiên cứu các cuộc đình công ở nước ta cho thấy, nhiều cuộc đình công diễn ra không theo quy định của pháp luật. Một số vụ người lao động tham gia đình công đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến có hành vi quá khích vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, đập phá, hủy hoại tài sản của doanh nghiệp, làm ngưng trệ sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, gây mất trật tự công cộng.

Thời gian qua, Nhà nước ta đã rất nỗ lực, có nhiều chính sách thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn các cấp cũng tham gia thực hiện các chính sách, pháp luật lao động, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động... Tuy nhiên, do sự càn quét khốc liệt, nặng nề của đại dịch COVID-19 gây ra khiến tốc độ cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động bị ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động được đánh giá là kịp thời và hiệu quả. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tiếp đó, ngày 12/6/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực từ ngày 1/7/2022). Theo đó, người lao động có thể được hưởng thêm nhiều lợi ích như bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp...

Thời gian tới, với chính sách mở cửa, tạo điều kiện tối đa, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp và người lao động sẽ gia tăng nhanh chóng. Theo đó, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục áp dụng những chiêu trò lợi dụng các tổ chức người lao động chống phá Đảng và Nhà nước. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề mang tính giải pháp sau:

Một là, thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Cán bộ công đoàn các cấp cần chú ý nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, người lao động để họ hiểu rõ về vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt NamCán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận thức đúng để không bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, trong đó có quyền đình công, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận... nhằm mục đích chống phá.

Hai là, thường xuyên cập nhật, thông tin đến người lao động về các phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong lợi dụng các vấn đề liên quan đến người lao động để chống phá Đảng, Nhà nước. Đây là giải pháp mang tính chiến lược, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm giúp cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ về những âm mưu, phương thức, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Từ đó, nâng cao khả năng “tự miễn dịch”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Ba là, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân người lao động đối với doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết, có giá trị to lớn đối với xã hội, nhất là trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thiếu khách quan, phiến diện, quy chụp. Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của bản thân người lao động đối với doanh nghiệp, cộng đồng, đất nước chính là sức mạnh nội sinh giúp người lao động chuyển hóa thành những hành động cụ thể, thiết thực, vượt qua mọi khó khăn để chung tay xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bốn là, đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Theo đó, Công đoàn các cấp cần căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam phát huy vai trò, vị trí của mình.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi quy định về trình tự đình công theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, rút ngắn thời gian hơn, bảo đảm thời cơ đình công và khả năng giành thắng lợi cho người lao động khi người lao động chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

 Các ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, phối hợp và hướng dẫn chủ doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng trên cơ sở đối thoại, lắng nghe ý kiến của người lao động, đồng thời có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động người lao động đình công trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị - xã hội./.

TS. NGUYỄN THỊ THANH NGA 
Giảng viên, Học viện Chính trị Công an nhân dân

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM