Chính sách quốc phòng "bốn không" đường lối đối ngoại quân sự đúng đắn
Chủ trương, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về củng cố quốc phòng, an ninh với mục đích là vì hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Mới đây, Phạm Trần đã đăng tải bài viết “An ninh – quốc phòng cũng diễn biến” trên trang Doithoaionline.com nhằm mục đích xuyên tạc chính sách quốc phòng “bốn không” vì hòa bình, tự vệ của Việt Nam.
Bằng thủ đoạn tinh vi, Phạm Trần đã suy diễn rằng, nguyên nhân của những quan điểm sai trái, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực quốc phòng là do “Việt Nam thời Cộng sản bây giờ “không có đồng minh quân sự””; do “chính sách 4 “không”. Từ đó, Phạm Trần quy kết “lập trường quốc phòng của Việt Nam … là “không thực tế””. Với những luận điệu trên, Phạm Trần đã xuyên tạc chính sách quốc phòng “bốn không” vì hòa bình, tự vệ của Việt Nam một cách rất tinh vi và thâm hiểm.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, chính sách quốc phòng “bốn không” là thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời bình. Chính sách này đã thể hiện sự nhất quán nhằm triệt tiêu hoàn toàn mầm mống chiến tranh đến từ phía Việt Nam; không cho bất cứ ai có thể lợi dụng Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam để xâm lược hoặc gây phương hại nước khác. Đây là những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm hòa bình thực sự không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới. Từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình. Giá trị hòa bình đó cũng đồng thời là mục tiêu cao cả của nhân loại chân chính đã và đang hướng tới. Xuyên suốt lịch sử mấy nghìn năm và hiện nay, trong khả năng của mình, Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình cho đất nước; đồng thời, đóng góp tích cực vào đảm bảo môi trường hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, trong chính sách quốc phòng, từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán thực hiện chủ trương “ba không” bao gồm: Không tham gia các liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia. Hiện nay, chính sách này được hiểu đầy đủ thành “bốn không”, trong đó chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là sự bổ sung, phát triển, phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới, chứ không phải “không thực tế” như lời Phạm Trần đã đơm đặt vô căn cứ. Phạm Trần cần phải hiểu, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam hiện nay không có nghĩa là Việt Nam không quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước mà “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Chính sách quốc phòng “bốn không” là thông điệp hòa bình và cũng là cam kết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi đến các quốc gia trên thế giới. Thấu hiểu giá trị của hòa bình, Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trong quan hệ quốc tế, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác, kể cả hợp tác quốc phòng, trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam chưa từng và cam kết sẽ không bao giờ gây hấn hay xâm lược nước khác, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đó là tôn chỉ, là truyền thống văn hóa đã trở thành cốt cách của dân tộc Việt Nam. Chính sách quốc phòng “bốn không” là thông điệp hòa bình, đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường hiện nay. Vì vậy, chính sách quốc phòng “bốn không” là sự chủ động bày tỏ thiện chí, thái độ thẳng thắn của Việt Nam, xuất phát từ khát vọng hòa bình, vì hòa bình của chính dân tộc mình cũng như hòa bình của nhân loại, chứ không phải vì “sự yếu kém” của an ninh, quốc phòng như Phạm Trần đã rêu rao.
Ủng hộ chính nghĩa, vì hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và được thể hiện trong chính sách quốc phòng “bốn không” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thời cuộc và xu thế chung của lịch sử nhân loại. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc của Phạm Trần và các thế lực thù địch dù có tinh vi, thâm hiểm như thế nào chăng nữa cũng không thể bôi đen chính sách quốc phòng “bốn không” vì hòa bình, tự vệ của Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét