BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 


Thật nực cười khi đọc “Bản chất không hoàn hảo của một nền dân chủ chân chính” của Đào Tăng Dực trên trang mạng xã hội. Trong bài viết, Đào Tăng Dực đã đưa ra những “minh chứng” không đúng với thực tế nền dân chủ ở Việt Nam khi cho rằng, chế độ mà Việt Nam đang xây dựng “là trật tự chính trị khép kín”, “độc tài”, “ưu việt giả dối”. Luận điệu này mặc dù chẳng mới mẻ gì, nhưng khi đọc dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về giá trị dân chủ, dễ gây nên sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Như chúng ta đều biết, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước công – nông được thành lập năm 1945, toàn dân Việt Nam được đi bầu cử tự do năm 1946 với hình thức phổ thông đầu phiếu, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ thực sự và ngày càng phát huy trong quá trình xây dựng xã hội mới; chế độ dân chủ đó “gấp triệu lần” hơn bất cứ chế độ dân chủ nào trong lịch sử.

Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các văn bản Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tinh thần, được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bản chất chế độ dân chủ ở nước ta là tốt đẹp, ưu việt và được thực hiện trên thực tế. Rõ ràng dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ rõ: Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực; phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, đó là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thông qua các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội; thực hiện đối thoại với nhân dân thông qua những cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Điều đó cho thấy rõ bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thể hiện rõ mục tiêu, động lực của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, những lập luận của Đào Tăng Dực hoàn toàn không đúng với thực tế nền dân chủ ở Việt Nam. Đó là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, là sự vu khống, là “trở lực” chính cho việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam cần phải được vạch trần và và đấu tranh bác bỏ. Mỗi người dân chúng ta cần hết sức cảnh giác không để các thế lực thù địch lừa bịp, lôi kéo. Đồng thời, tin tưởng vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM