Cảnh giác với luận điệu về “Dân quyền”
Mới đây trên trang “Doithoaionline” tán phát bài viết với tiêu đề “Dân quyền, khởi đầu và đích đến!” của Trần Dzạ Dũng (TDzD), trong đó đưa ra những quan điểm phiến diện, nhận thức sai lầm, lệch lạc về quyền dân chủ, quyền công dân. TDzD đã copy, cắt xén, lắp ghép thông tin lấy từ văn kiện Đảng, từ bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề quyền lực, tham ô, tham nhũng; suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp…. Điều hết sức nguy hiểm ở chỗ TDzD đã triệt để lợi dụng những điều đó để lồng ghép ý kiến nhận xét, quan điểm của cá nhân cổ súy cho cái gọi là “dân quyền” do TDzD tự phịa ra hoặc theo đuôi các nhà “dân chủ cuội” hòng xuyên tạc, bôi đen việc thực thi quyền dân chủ, quyền công dân ở Việt Nam.
Trần Dzạ Dũng viết: Bằng quyền lực đảng chính trị độc tôn, người đứng đầu đưa ra cách tìm, diệt tham nhũng bằng mô thức thanh trừng nội bộ, với mục đích là để giúp lòng dân níu kéo niềm tin vào chế độ; về “dân quyền” là chủ đề các chức sắc lãnh đạo đảng vẫn nhắc đến nhưng chưa thấy thực thi.
Những điều mà TDzD viết ở trên thể hiện sự cố tình không hiểu biết gì về Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi hoạt động của xã hội, trong đó có đấu tranh phòng, chống tham nhũng đều phải thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ một hoạt động nào trái pháp luật. Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, bằng việc thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, Nhân dân góp một phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh phòng, chống các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, Nhân dân đã tích cực sử dụng quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có nội dung liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Kết quả phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).
Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện các quyền dân chủ theo quy định của pháp luật, công dân là chủ thể quan trọng góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt, thông qua việc thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở, Nhân dân đã thể hiện rõ nét vai trò của mình trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Từ đó, chúng ta khẳng định những điều TDzD rêu rao về quyền dân chủ, quyền công dân trong tham gia phòng, chống tham nhũng không được thực thi là hoàn toàn sai sự thật. Cách lập luận mập mờ, mơ hồ, không rõ ràng của TDzD rất dễ khiến cho người đọc nếu không đủ tỉnh táo, sẽ bị mắc lừa, hiểu sai về công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, trong bài viết của TDzD đã viện dẫn việc lấy ý kiến đại biểu, cử tri nơi cư trú và nơi công tác trong đánh giá đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, TDzD tiếp tục hướng lái, xuyên tạc, nói không đúng sự thật rằng: Những gì đã xảy ra như việc buộc phải từ nhiệm của cán bộ … cho thấy việc hỏi ý kiến người dân chỉ dừng lại ở thủ tục hình thức; quyền lên tiếng đa chiều, quyền được phê phán, quyền chỉ trích đảng cầm quyền trong khuôn khổ pháp luật của người dân đã không được tôn trọng.
Trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ngày càng được đổi mới, đi vào nền nếp, thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm; mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ. Đại biểu dân cử ngày càng tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để đấu tranh, phản bác với những thông tin xấu, độc, không đúng sự thật trong bài viết của TDzD một cách hiệu quả, chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, mỗi chúng ta phải luôn bình tĩnh, sáng suốt khi tiếp nhận, xử lý thông tin trái chiều; luôn đề cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện và vô hiệu hóa các bài viết có nội dung xấu, độc, phản động phát tán, lan truyền trên không gian mạng./.
Nhận xét
Đăng nhận xét