Không thể phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

 


Với quan điểm kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bất chấp thực tế, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong phòng, chống tham nhũng, hòng hướng lái dư luận theo hướng khác nhằm hạ uy tín của Đảng. Trong bài “Chống tham nhũng ở Việt Nam không bao giờ tiến xa”, với những luận điệu xuyên tạc, Anh Khoa đã cho rằng “gốc rễ của tham nhũng tràn lan ở Việt Nam là một nhà nước độc đảng”, “chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ không bao giờ tiến xa”. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn về bản chất và thực chất của tham nhũng, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thứ nhất, một đảng lãnh đạo không phải là nguyên nhân của tham nhũng.

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự hình thành của giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, nó là “căn bệnh” của nhà nước. Sở dĩ có hiện tượng này là do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra; có nhà nước là có tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Tuy nhiên, nếu quyền lực nhà nước được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng; lúc này người có quyền lực sẽ “không thể”, “không dám” tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa.

Thực tế trên thế giới cho thấy, ở các nước tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại, với rất nhiều vụ việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí một số nguyên thủ quốc gia ở một số nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Brazil…cũng dính vào tội tham nhũng. Theo công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công hằng năm của Tổ chức minh bạch quốc tê (TI) đối với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng cho thấy, nước nào có chỉ số cao nhất cũng chỉ đạt 88/100 điểm, có nghĩa là quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không quốc gia, vùng lãnh thổ nào đạt được 100 điểm.

Vì vậy, việc cho rằng “gốc rễ của tham nhũng tràn lan ở Việt Nam là một nhà nước độc đảng” chỉ là những luận điệu huyễn hoặc, lập lờ đánh lận con đen của Anh Khoa và đồng bọn hòng chống phá Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực.

Nhận thức được tác hại của tham nhũng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cản trở đến ổn định và phát triển đất nước nên Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, bộ Luật về công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được điều tra, xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”. Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và tiến hành đồng bộ với chống tiêu cực.

Những kết quả đó không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận; mà còn được sự đánh giá cao của công đồng quốc tế. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong 10 năm qua, Việt Nam đã tăng 30 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam  là Hướng tới Minh bạch đã khẳng định “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm là bằng chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân nhận thức đầy đủ, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ và đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng của nước ta, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM