Kiên quyết đấu tranh với những luận điệu lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá đại đoàn kết toàn dân tộc

 


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 – 2027 là sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Lợi dụng sự kiện này, trên trang “Boxitvn” tán phát bài viết của Văn Tâm với tựa đề “Ba nhiệm vụ chính trị mà đảng giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Mục đích của bài viết này là xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

  1. Với trình độ hiểu biết nông cạn, Văn Tâm cho rằng ở Việt Nam“Một số tổ chức tôn giáo hiện nay đã bị chính quyền thâm nhập hoàn toàn” .

Thực tế cho thấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội” và “Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận. Qua đó, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền quản lý xã hội của mình trên lãnh thổ Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Để quản lý về tôn giáo thật sự có hiệu quả, phát huy tác dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đương nhiên Đảng, Nhà nước Việt Nam phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và đặc biệt là các hành động lợi dụng tôn giáo vì các mục đích khác nhau trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

  1. Văn Tâm đã hồ đồ phê phán, phủ nhận vai trò của các chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi cho rằng“Các chức sắc không chỉ điều hành hoạt động tôn giáo mà còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng”.

Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc. Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả. Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng Nhân dân tin tưởng, bầu chọn vào các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương và địa phương. Nhiều chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh…Vì vậy, việc các chức sắc vừa điều hành hoạt động tôn giáo vừa thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó là điều hiển nhiên.

Qua đây chúng ta có thể khẳng định, mỗi tôn giáo tại Việt Nam, dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc. Các tổ chức tôn giáo không chỉ lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội; mà còn cụ thể hóa các giá trị đó thành những hành động thiết thực cứu người, giúp đời; góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần và đấu tranh bác bỏ những luận điệu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM