Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam

 Một trong những âm mưu, thủ đoạn chống phá dai dẳng của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành quả của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho công dân. Ý đồ này không ngoài mục đích hạ thấp sứ mệnh của báo chí cách mạng, phủ nhận khuynh hướng tính chính trị của báo chí cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và sâu xa hơn, hòng làm thay đổi thể chế chính trị - xã hội ở Việt Nam.

Phóng viên báo chí tác nghiệp. (Ảnh minh họa)

NHỮNG LUẬN ĐIỆU XẢO TRÁ, THÂM ĐỘC

Thời gian qua, các thế lực thù địch và một số cơ quan báo chí truyền thông phương Tây, các phần tử thiếu thiện chí, bất mãn chính trị đã lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.

Những luận điểm được “nhai đi nhai lại” nhiều lần là quy kết, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí thông qua cái gọi là “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên”, xếp báo chí Việt Nam luôn ở vị trí áp chót bảng. Bên cạnh đó, họ xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “quản” báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “hà khắc”... Từ việc xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí, nhiều tổ chức và trang mạng xã hội phản động kêu gọi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chính sách với những luận điệu xảo trá như: “Thể chế hiện nay không tạo môi trường để thay đổi báo chí được, mà phải thay đổi thể chế sâu rộng”; “Nhà nước phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động”. Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như: BBC, RFI, RFA, VOA... và các hội nhóm, các cá nhân phản động trên YouTube, Facebook mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. Với sự cổ xúy, giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể khẳng định, thông tin sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí như những mũi kim tiêm tẩm độc xuyên vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của nhiều người. Một bộ phận người dân hoài nghi, bi quan về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể làm chia rẽ, ly gián lòng người, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...

Nguy hại hơn, các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo ra cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam.

MỘT VIỆT NAM VỚI QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ MỞ RỘNG

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là hiện thực sinh động cho báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội.

Về phương diện chính trị, pháp lý, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo Luật Báo chí 2016, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp. Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25).

Tất nhiên, cũng như ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật. Luật Báo chí 2016 quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13). Trách nhiệm của nhà báo và công dân trong thực hành tự do báo chí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh (Điều 9).

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quyền tự do báo chí được bảo đảm. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương có báo hoặc tạp chí; mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp... đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho họ. Nhiều tờ báo đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo... xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe-nhìn-đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: Vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực xã hội...

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí phát triển. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Với cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Điều này có ý nghĩa bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

NHÀ BÁO VÀ CƠ QUAN BÁO CHÍ TRONG CUỘC CHIẾN ĐẨY LÙI THÔNG TIN XẤU ĐỘC, THÙ ĐỊCH

Những năm qua, nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo thuộc hệ thống báo Đảng, các cơ quan báo chí lớn như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều báo Đảng địa phương, nhiều tạp chí khoa học đã đăng tải những bài viết phản ánh, phân tích, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chế độ cũng như chống phá nền báo chí cách mạng của các thế lực thù địch. Nhiều báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, “Nhận diện sự thật”... lồng ghép đăng tải các bài viết khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Nhiều bài báo đã mở chuyên mục kiểm chứng thông tin để đăng tải sự thật về các sự việc, sự kiện, vấn đề bị các thế lực thù địch xuyên tạc để người dân không hoang mang, dao động.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước sẽ gia tăng thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, việc nhận diện, phản bác, đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc về tự do báo chí đòi hỏi nhà báo - với tư cách chủ thể thực thi trách nhiệm đưa tin, khởi tạo, định hướng dư luận tại cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân - phải nhập cuộc tích cực hơn để nhận diện sự thật, lẽ phải, kịp thời và kiên quyết phản bác mạnh mẽ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị.

Tự do báo chí ở Việt Nam là thực tiễn không thể phủ nhận, xuyên tạc. Việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng là một trong những mục tiêu xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam; là đường lối lãnh đạo nhất quán của Đảng ở mọi kỳ, được bảo đảm bằng hệ thống Hiến pháp, pháp luật và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Với thực tế đó, nhà báo có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để đấu tranh hiệu quả chống luận điệu xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí trên không gian mạng. Vì vậy, nhà báo phải mài sắc ngòi bút thành “vũ khí” sắc bén để đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Muốn phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, nhà báo cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn thể hiện khát khao bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa bằng một tinh thần nhiệt huyết, một trí tuệ, tài năng được hun đúc, rèn giũa bền bỉ. Theo lời Bác Hồ dạy, nhà báo cần “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”; “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “đi sâu vào quần chúng”. Nhà báo cần nắm vững chủ trương, chính sách để tuyên truyền trúng và có sức thuyết phục, để vững vàng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Đối với mỗi nhà báo, văn hóa tốt đem lại đạo đức tốt, tri thức rộng, sâu; nghiệp vụ vững để sáng tạo tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn.

Có thể khẳng định rằng, việc các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch về tự do báo chí ở Việt Nam vừa là trách nhiệm chính trị vừa là đạo đức, văn hóa nghề nghiệp nhằm góp phần cùng cả hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời bảo vệ những giá trị, thành quả tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được vun đắp, xây dựng gần một thế kỷ qua./.

PGS. TS. TRƯƠNG THỊ KIÊN
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM