Đừng xuyên tạc để tạo nên hận thù
Một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển sau những năm dài chiến tranh là minh chứng rõ nhất cho thấy “vết thương”, vết sẹo đau thương năm xưa đã lành. 48 năm sau kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi, miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, non sông liền một dải, những luận điệu xuyên tạc sự thật, kích động hận thù vẫn còn và đâu đó những tiếng kêu rên lạc lõng nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo luận điệu của các thế lực thù địch cũng vẫn còn
Hằng năm cứ Tháng 4 về, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất là các phần tử cơ hội, phản động lại khoét sâu những ký ức của những năm nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng những luận điệu xuyên tạc sự thật. Trong đó có những luận điệu: nếu không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng “khơi mào” thì sẽ không có cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt kéo dài 30 năm”; cái gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ là một cách “cộng sản tuyên tuyền”, nhưng kỳ thực đó là “miền Bắc xâm lược miền Nam”; cuộc chiến tranh ấy là do “miền Nam – miền Bắc do xung đột về ý thức hệ”; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiếu chiến nên đã gây chiến tranh thôn tính miền Nam, làm cho hàng triệu người của hai miền thiệt mạng; đây là cuộc nội chiến giữa một bên là chính quyền Sài Gòn, được Mỹ và một số nước phương Tây hậu thuẫn và một bên là chính quyền Hà Nội, được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ…
Những luận điệu xuyên tạc sự thật, đậm mùi “diễn biến hòa bình” này đã khiến những người có lương tri, những người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, thống nhất đất nước căm giận! Vì thế, cần phải khẳng định rằng:
1. Khơi mào cuộc chiến tranh này là do đế quốc Mỹ
Kỳ thực, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không phải là “cuộc nội chiến”, cũng không phải do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng “khơi mào”, mà đó chính là cuộc chiến tranh nhân dân của những người dân Việt Nam yêu nước nhằm giải phóng miền Nam khỏi sự can thiệp, thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Nguồn gốc của cuộc chiến tranh nhân dân kéo dài 21 năm này chính là do mưu đồ chính trị và hành động xâm lược miền Nam Việt Nam của chính quyền Mỹ (sau đó lan rộng cả ra miền Bắc Việt Nam), chứ không phải xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ của dân tộc Việt Nam; càng không phải là miền Bắc hiếu chiến đã xâm lược, thôn tính miền Nam…
Những nghiên cứu chính trị thế giới cho thấy: Từ quan điểm “Việt Nam là hòn đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó”[1], cho nên “các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng nếu miền Nam Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản, các nước láng giềng chắc chắn sẽ lần lượt gục ngã, lần lượt như một hàng quân cờ domino”[2]… Vì thế, Mỹ không chỉ chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương từ năm 1950; trong đó, phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Đông Dương (MAAG) của Mỹ đã viện trợ quân sự cho Pháp từ 52 tỷ phrăng lên tới 751 tỷ phrăng năm 1954 (chiếm 73,9% chi phí chiến tranh), mà còn trực tiếp gạt Pháp ra khỏi Đông Dương, tiến hành lập chính quyền mới, tổ chức bầu cử riêng ở miền Nam Việt Nam (đầu năm 1955) bất chấp điều khoản của Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 về việc hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ” để lập ra cái gọi là Việt Nam Cộng hòa… với âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ.
Thực hiện mưu đồ của mình ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã triển khai phương thức thống trị thực dân kiểu mới, cai trị trá hình, nuôi dưỡng và dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai (từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu); với sự viện trợ ngày càng tăng: Từ năm 1955 -1961, đế quốc Mỹ đã viện trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam 7 tỷ USD[3]; từ năm 1962 – 1974, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa 21.336 triệu USD (bao gồm cả viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự)[4]… Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền tay sai ở miền Nam chỉ là những quân cờ trên bàn cờ chiến lược của đế quốc Mỹ, cho nên khi quân cờ không còn hữu dụng thì sẽ bị thay thế, vứt bỏ như Mỹ đã từng làm với Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu sau này…
Vì thế, có thể thấy rằng, khơi mào cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm ở miền Nam Việt Nam là do âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ (từ can thiệp đến xâm lược) chứ không phải là do miền Bắc “xâm lược” miền Nam, càng không phải do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta muốn “thôn tính” miền Nam.
2. Đừng đổ lỗi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng
Trước sự phá hoại Hiệp định Genève của đế quốc Mỹ, trước những yêu cầu đàm phán với chính quyền Ngô Đình Diệm liên tục bị từ chối và nhất là trước sự thảm sát tàn khốc những người yêu nước và đồng bào ta ở miền Nam của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhân dân Việt Nam yêu nước nhất quán quan điểm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam thống nhất, giang sơn gấm vóc liền một dải bằng phương pháp đấu tranh hòa bình. Tuy nhiên, trước những thay đổi của tình hình chính trị trong nước và quốc tế, nhất là từ thực tế cách mạng miền Nam dưới chế độ Mỹ – Diệm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Đảng (1/1959) đã vạch rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam).
Đồng thời, Hội nghị nhận định: “Đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”[5]. Sau đó, Đại hội III của Đảng (9/1960) đã đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo phù hợp điều kiện cụ thể cảu tình hình cách mạng Việt Nam để lãnh đạo, chỉ đạo đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để vừa bảo vệ miền Bắc, vừa tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lịch sử thế giới đương đại cho thấy, trên hành trình đấu tranh cho tương lai, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; nhưng từ giữa năm 1972, viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc cho Việt Nam đều đã bị cắt giảm mạnh… song Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để giành thắng lợi cuối cùng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Vì rằng, cuộc chiến tranh chính nghĩa này không chỉ là động lực thu hút và tập hợp tất cả mọi người dân Việt Nam, không phân biệt thành phần, tôn giáo, đảng phái tạo thành khối đoàn kết thống nhất trong cuộc đấu tranh chung, mà còn cho thấy với tư cách là đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam – Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (thành lập từ 6/1969 cho đến cuối năm 1972) đã được 30 nước trên thế giới chính thức công nhận… Sự thật này thì không thể bẻ cong được!
Nguyên nhân, mục đích, hành trình và kết quả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất của một quốc gia có chủ quyền, nên đã thức tỉnh lương tri nhân loại tiến bộ; nên được ủng hộ, giúp đỡ… là không thể phủ nhận. Đồng thời, việc Mỹ can thiệp, gây chiến tranh, xâm lược đối với miền Nam Việt Nam và sau này cả miền Bắc Việt Nam cũng là sự thật. Vì thế, việc xuyên tạc, bôi đen hay bẻ cong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để đổ lỗi cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho miền Bắc là “xâm lược”, “thôn tính” miền Nam hay cuộc chiến tranh này là vì “Liên Xô, Trung Quốc”… đều là luận điệu phản động của các thế lực thù địch; cần phải được đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhân diện đúng để chủ động đấu tranh phản bác ./.
Trần Hoàng Hồng Hà
[1]R.S.Mc Namara: Nhìn lại quá khứ – Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.44
[2] Christian G. Appy: “What Was the Vietnam War About?”, The New York Times, ngày 26/3/2018, https://www.nytimes.com/2018/3/26/opinion/what-was-the-vietnam-war-about.html
[3] R.S.Mc Namara: Nhìn lại quá khứ – Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.44
[4] Douglas C.Dacy: Foreign aid, war and economic development South Vietnam 1955 – 1975, Cambridge University Press, 1986, tr.245
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.85
Nhận xét
Đăng nhận xét