GÓP PHẦN NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực “đặc biệt”, “tinh tế của văn hóa” là một động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội, đề cao tự do ngôn luận, khuyến khích tự do sáng tạo thì văn học, nghệ thuật cũng là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch nhòm ngó, lợi dụng, khai thác để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng. Vì vậy, việc nhận diện đúng đắn và phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay là vấn đề cần thiết và cấp bách.

Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB) chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, chiến lược này đang được thực hiện ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều thủ đoạn thâm độc thông qua “DBHB” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở ta phải cảnh giác đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Mà trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính nên chủ nghĩa cá nhân càng có điều kiện nảy nở nhất. Và có khi chủ nghĩa cá nhân được ngụy trang tinh vi dưới cái vỏ “cá tính sáng tạo”, “tự do ngôn luận” “tự do dân chủ” nên rất khó phát hiện. Điều đó khiến cho văn học, nghệ thuật không phát huy được vai trò “là một động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”[1].

          Không những vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin, ai cũng có thể phát ngôn, cũng có quyền bày tỏ chính kiến qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội; ai cũng có thể nghe, đọc, có thể tìm hiểu, có thể phát ngôn bất kì một quan điểm nào đó dù có thể ấy quan điểm là cực đoan, sai trái. Đây là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng tiến hành mưu đồ “DBHB” đặc biệt trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các thế lực thù địch chống phá ta quyết liệt trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật để tạo ra một thế hệ người dân Việt Nam lạc lối, nhằm phục vụ mục đích đen tối của chúng là nô dịch nước ta một lần nữa. “Mất văn hóa là mất tất cả”(Phạm Văn Đồng). Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ. Vì thế, khi nói tới vai trò của văn học, nghệ thuật trong đấu tranh chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng là nhấn mạnh tới sứ mạng của văn học, nghệ thuật đối với việc xây dựng nền văn hóa, nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện.

          Những hiện tượng lệch lạc

          Ngày nay, một sự thật không thể lẩn tránh là nhiều tác phẩm không phản ánh trung thực, khách quan hiện thực đời sống mà chỉ chú ý hoặc thổi phồng, hoặc bôi đen, hoặc bóp méo, xuyên tạc thông qua những nhân vật, những sự kiện, những tình huống được nhào nặn, hư cấu một cách tinh vi trong sáng tác. Đó là tình trạng chạy theo hoặc thích thú với thị hiếu tầm thường của số ít cá nhân nghệ sĩ và một bộ phận công chúng nên có những nghệ sĩ bỏ qua đặc trưng của văn học, nghệ thuật là cái đẹp mà đi vào mô tả những cái gần với bản năng. Đó là sáng tác kiểu ăn xổi chạt theo số lượng, chạy theo tâm lí xã hội nhất thời, viết để bán sách, viết để có tên tuổi… Đó là sự a dua, nói theo những ý kiến trái chiều, nói ngược với những quan điểm chính thống để được chú ý… Các thế lực thù địch đã sử dụng một số sáng tác văn học xấu để tuyên truyền, thổi phồng những sai lầm của Đảng, Nhà nước, truyền bá những quan điểm, lối sống không lành mạnh. Chúng hình thành hoặc cho người của mình len lỏi vào những hội đoàn, câu lạc bộ hoạt động trái phép, tập trung tuyên truyền xuyên tạc, đưa các quan điểm, tư tưởng sai trái xâm nhập, tác động, xâm hại trực tiếp đến tư tưởng cán bộ, đảng viên. Chúng phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta, muốn dùng văn hóa để thực hiện ý đồ chính trị. Một mặt chúng khoét sâu ảnh hưởng của các mặt tiêu cực, lệch lạc trong hoạt động văn học,  nghệ thuật cũng như trong thị hiếu của một bộ phận công chúng. Mặt khác, chúng tìm cách thực hiện và quảng bá những tác phẩm văn học, những chương trình ca nhạc, phim ảnh chứa đựng cả nội dung lẫn hình thức chống chế độ ta, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh tụ cách mạng, tôn vinh những kẻ quay lưng chống lại công cuộc xây dựng hòa bình của dân tộc ta dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”… Đáng ngại nhất trong khuynh hướng này là tác phẩm văn học, nghệ thuật nhấn mạnh một chiều cái xấu, cái ác, phủ một màu đen lên hiện thực muôn màu của đời sống, dẫn đến tâm lý hoài nghi, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của dân tộc. Điều này có thể thấy ở rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nhất là ở những tác phẩm ngôn tình đầy bi lụy hoặc gần đây nhất (tháng 4/ 2022) là trường hợp MV “There's No One At All” của Sơn Tùng M-TP gây tranh cãi vì có cảnh tự sát. Đó là biểu hiện của tâm lý phủ nhận thực tại, miêu tả, phản ánh méo mó, phiến diện cuộc sống. Thậm chí, có tác phẩm còn cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ bệ thần tượng, giải thiêng lịch sử, giải thiêng các giá trị của dân tộc, phủ nhận quá khứ, hư vô chủ nghĩa, đánh tráo phải - trái, tốt - xấu, công - tội. Nhầm lẫn giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược. Miêu tả cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc như một cuộc nội chiến… Trong đời sống văn học, nghệ thuật cũng đang có những lệch lạc cần phát hiện, uốn nắn kịp thời. Đối với nhạc trẻ, nhạc thương mại hiện nay đang có xu hướng tuyệt đối hóa tình yêu, trong tình yêu nhấn mạnh sự ích kỷ, hưởng thụ, xác thịt, đánh mất sự cao quý, thánh thiện. Trong hội họa, có khuynh hướng nhấn mạnh tranh trừu tượng, nghệ thuật trình diễn, xếp đặt, mờ nhạt với các vấn đề nóng bỏng của đời sống. Còn trong điện ảnh, có những yếu tố nước ngoài du nhập sống sượng, thiếu chọn lọc. Lại có những phim đồng tính, dựa theo những cốt truyện của nước ngoài rồi pha chế. Nhiều nội dung phim là những câu chuyện luẩn quẩn, vụn vặt, cãi cọ trong văn phòng hoặc pha những cảnh sex, đâm chém, săn đuổi để câu khách. Lại có những tác giả coi văn học chỉ là những “trò chơi” du hý, trò chơi ngôn ngữ của những cá nhân “tài năng”. Có lẽ, đại đa số công chúng sẽ thật khó tìm ra được “cái hay” “cái đẹp” trong giá trị tư tưởng - nghệ thuật khi đọc những vần được viết theo kiểu sắp đặt sau đây, mặc dù đúng là nó rất” lạ”, rất “độc”:

Tao không muốn mày làm thơ tình buồn

Tao không muốn mày làm thơ tình

Tao không muốn mày làm thơ

Tao không muốn mày làm

Tao không muốn mày

Tao không muốn

Tao không

Tao

T”

     (Ở nơi ấy, nhà thơ – Inrasara)

Sự thực, những kiểu nhân vật, những kiểu sáng tác nói ở trên không thể là những mẫu người sống để cho một nước Việt Nam phát triển, đi lên bền vững trong hiện tại và tương lai, đúng như Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ: Hiện nay còn “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người” [2].

Những giá trị còn sống mãi

          Từ xưa cho đến nay, trong lịch sử nhân loại, văn học, nghệ thuật có sức mạnh to lớn trong cải tạo xã hội, cải biến con người, trở thành một vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng. Mọi lực lượng xã hội đều sử dụng văn học như một vũ khí tuyên truyền hữu hiệu, phục vụ lợi ích cho giai cấp mình. Đối với dân tộc Việt Nam, từ những lời ru ầu ơ, những câu chuyện cổ qua lời kể của bà của mẹ, những vở chèo, làn điệu cải lương đến những áng văn thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã góp phần quan trọng bồi đắp nên tâm hồn, tính cách của người Việt Nam mà giá trị kết tinh nhất đó là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và đoàn kết, nhân văn, nhân ái... Kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta đã xác định vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, luôn coi đó là động lực quan trọng của sự phát triển xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa, văn nghệ nước ta đang gánh vác trên vai sứ mệnh hết sức nặng nề và phải tiến hành một cuộc đấu tranh rất quyết liệt để góp phần nuôi dưỡng, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh chống cái ác, cái xấu và nghèo nàn lạc hậu để xây dựng con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; đấu tranh chống các luồng tư tưởng, văn hóa độc hại để bảo vệ mục tiêu lý tưởng, các giá trị truyền thống, cách mạng cao đẹp mà tổ tiên, ông cha ta đã đổ bao máu xương xây dựng và gìn giữ… Cha ông ta từ ngàn xưa đã để lại một truyền thống quý báu khẳng định vai trò của văn học - nghệ thuật trong xây dựng cốt cách, bản lĩnh, nhân phẩm của con người Việt Nam. Qua bao thử thách của chiến tranh và lịch sử, cha ông ta đã đúc kết, tạo ra, và bằng những điển hình nghệ thuật của nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam một cách sâu sắc và đầy sức hấp dẫn. Thế hệ hôm qua, hôm nay vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm ấn tượng về những thước phim đen trắng như “Chung một dòng sông”, “Biệt động Sài Gòn”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, những ca khúc cách mạng hào hùng “Tiến quân ca”, “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Sài Gòn” hay những “vần thơ tươi xanh, những vần thơ lửa cháy”:

          “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

          Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

          Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết

          Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

                      (Chế Lan Viên)

           Văn học, nghệ thuật luôn là lĩnh vực sáng tạo tinh thần gắn chặt với tư tưởng, tâm hồn người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ chân chính tức là phải có cá tính sáng tạo tức là phải tạo ra cái mới, cái tiến bộ, phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ mới mẻ, độc đáo. Năng khiếu sáng tạo đòi hỏi nghệ sĩ sự nhạy cảm nhất là nhạy cảm trước biến động xã hội. Có thể ví người nghệ sĩ như cái cần ăng ten thu phát những tín hiệu thay đổi của cuộc sống. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có một sức đề kháng, một bộ lọc hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực. Về bản chất hình tượng thì văn học, nghệ thuật sáng tạo ra một cuộc sống thứ hai, cuộc sống này thoát thai từ cuộc sống thực, nhưng nó chỉ là mô hình thì có cái giống, có cái khác, lại có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống thực. Chính vì lẽ này mà tiếp nhận văn học, nghệ thuật luôn là vấn đề phức tạp. Có mô hình bị hiểu sai, có cái thì bị lợi dụng… xét góc ở độ tiếp nhận thì văn học, nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhưng trong thời buổi tiếp biến văn hóa mạnh mẽ hiện nay lại có món ăn vì nhiều lí do kể cả khách quan lẫn chủ quan mà dễ gây ngộ độc. Chẳng hạn, chỉ một bài thơ với những câu thơ nhuốm màu bi quan trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam (2016) đã làm cư dân mạng dậy sóng với nhiều suy nghĩ tiêu cực, các thế lực phản động đã lợi dụng điều đó để kích động công chúng, tạo tâm lí hoang mang cho công chúng. Song ngược lại, cũng nhờ phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trong đấu tranh chống “DBHB” mà đã có nhiều tác phẩm có tác dụng giáo dục, tuyên truyền, chấn an dư luận, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, chế độ:

 “Em đừng nghe kẻ nấu thịt nồi da,
 Kích động chiến tranh, biểu tình, bạo loạn.
 Gia đình mình, đôi khi còn khó quản,
 Huống chi ta còn hàng xóm, láng giềng.

 Đất nước mình, em nhỉ, rất bình yên
 I rắc, Sy ri đang chìm trong bom đạn
 Nên hãy vui lên, đừng bao giờ oán thán
 Vì em còn... là cô giáo, phải không em !”

   (Chu Văn Bảo)

        Văn học, nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù, có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị, tư tưởng, văn hóa, có khả năng tác động, cảm hóa tới đời sống tinh thần, tình cảm con người. Cho nên văn học, nghệ thuật có khả năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng một cách hữu hiệu.

   Để văn học, nghệ thuật trở thành một thứ vũ khí sắc bén

    Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt. Với thực trạng hiện nay để phát triển văn học, nghệ thuật nói chung phòng, chống “DBHB” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói riêng, tư tưởng - văn hóa nói chung góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người, cần chú ý một số vấn đề sau:

Trước hết, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của văn học, nghệ thuật nói chung cũng như nhận diện các âm mưu, thủ đoạn  “DBHB” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đối với mọi tổ chức, lực lượng đặc biệt là đối với các cấp lãnh đạo, đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, song văn học, nghệ thuật cũng là một mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng, thực hiện chiến lược DBHB.

 Thứ hai, về phía người sáng tác, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ bên cạnh tài năng, năng khiếu, phải vươn lên là những nhà tư tưởng, vừa có tài, vừa có tâm, có tầm; bên cạnh đó, văn nghệ sĩ phải là những nhà đạo đức, làm gương cho xã hội, là những công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với dân tộc, nhân dân, đất nước, xã hội. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật cần “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻgiữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa[3]

 Thứ ba, về phía công chúng - người tiếp nhận, cần thường xuyên nâng cao bản lĩnh chinh trị, bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, định hướng thị hiếu, thẩm mỹ lành mạnh. Chỉ khi chúng ta có một công chúng hiểu biết, có bản lĩnh tiếp nhận, bản lĩnh văn hóa vững vàng, tinh thần yêu nước nồng nàn, có gu nghệ thuật tinh tế, có đòi hỏi cao về hưởng thụ văn hóa, thì nền văn học, nghệ thuật mới phát huy được vai trò của nó đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách của con người.

 Thứ tư, đối với các nhà quản lý, lãnh đạo, tham mưu văn học, nghệ thuật cần nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế này. Tránh tình trạng có những xử lý, ứng xử chưa đúng đối với tác giả, tác phẩm, làm mất đi môi trường thuận lợi, mất sự kích thích sức sáng tạo đối với văn nghệ sỹ. Các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình phối hợp chặt chẽ với các hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lương tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, phục vụ đông đảo nhân dân ở mọi miền đất nước. Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm được định hướng chính trị; khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng; có cơ chế phù hợp để đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước.

Để văn học, nghệ thuật thực sự phát huy vai trò, sứ mệnh trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người, ngoài giải quyết các vấn đề đã nêu ở trên, các Hội văn học nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương cần xây dựng Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, gắn bó máu thịt và trách nhiệm với hội viên, với dân tộc, nhân dân, đất nước.

          Văn học, nghệ thuật có sức mạnh to lớn trong cải tạo xã hội, cải biến con người. Trong thực tiễn, văn học, nghệ thuật trở thành một vũ khí trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng… Cuộc chiến đấu chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất quyết cần sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Do đó, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật phải luôn tu dưỡng, học tập đường lối, chủ trương của Đảng, rèn luyện bản lĩnh và tư tưởng vững vàng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Cả đội ngũ văn nghệ sĩ lẫn quần chúng nhân dân (những người tiếp nhận) phải tỉnh táo, tự vệ, phải tăng sức đề kháng bằng việc nâng cao nhận thức chính trị, phông văn hóa để phân biệt đúng - sai, phải - trái, thật - giả, tốt - xấu, văn hóa - phản văn hóa…. Chính điều đó là yếu tố cốt lõi để văn học, nghệ thuật thực sự trở thành một thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Nguyễn Thị Thủy

#SQCT

Tài liệu tham khảo

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hà Nội, 2008.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 84.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 136 - 137.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hà Nội, 2008

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 84

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 136 - 137

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM