Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

 


Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, đi ngược lại với sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân cả nước, các lực lượng thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong bài viết “Tham nhũng – suy thoái tư tưởng”, với cái nhìn định kiến, phiến diện, Phạm Trần đã đưa ra các nhận định ác ý: tình trạng tham nhũng ở Việt Nam “vẫn đứng nguyên”, “càng chống càng xiêu”. Đây là những luận điệu sai trái, hòng gây hoang mang dư luận, lung lạc niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và cách làm phù hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhận thức sâu sắc tác hại của tham nhũng – thứ giặc nội xâm, luôn đe dọa đến vận mệnh của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa; không chỉ làm hao phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra, tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí là một trong bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam. Nên, bên cạnh những chủ trương, giải pháp được xác định trong các kỳ Đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiêu biểu như: Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành các luật, nghị định, quy định về phòng, chống tham nhũng: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định: Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định về việc Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập…

Bên cạnh đó, có các quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập; về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; mở rộng dân chủ, tăng cường vai trò trong kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan công quyền; có cơ chế khuyến khích nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…

Với hệ thống văn bản được ban hành và những việc làm thiết thực, cùng kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua, là bằng chứng về sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong phòng, chống tham nhũng, chứ không phải “vẫn đứng nguyên”, không làm gì như những gì Phạm Trần xuyên tạc.

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng ở Viêt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực.

 Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, cùng với hệ thống giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2012 đến 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có cả cán bộ diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can về tội tham nhũng). Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và sang cả lĩnh vực chống tiêu cực. Do đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ, mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đã tăng 30 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng trong 10 năm qua. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam là Hướng tới Minh bạch đã khẳng định “trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”.

Từ những con số biết nói và đánh giá của cộng đồng quốc tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, sao có thể gọi là “vẫn đứng nguyên”, “càng chống càng siêu” như những gì Phạm Trần và đồng bọn xuyên tạc./.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM