Phản bác luận điệu phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Tuy nhiên, lợi dụng những yếu kém, hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, đồng thời tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân.
Với chiêu trò núp bóng danh nghĩa “chuyên gia kinh tế”, “doanh nhân thành đạt”, “đại diện hợp pháp”… của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các thế lực thù địch đã quy chụp rằng: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ thủ tiêu cạnh tranh, phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác”; “cần giải thể các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước vì sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn”; “thành quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua không phải do kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mà do kinh tế tư nhân”; “Việt Nam cần phải tư nhân hóa nền kinh tế”,… Mục đích của những luận điệu này nhằm tạo ra tâm lý hoài nghi, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cần khẳng định, kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Kinh tế nhà nước làm nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; mở đường, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và lâu bền của toàn bộ nền kinh tế; là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.
Thực tế cho thấy, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phần kinh tế nhà nước đều hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc thành phần kinh tế nhà nước hoạt động rất hiệu quả như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… Vì vậy, việc lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế nhà nước, từ đó đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước và đòi tư nhân hóa hết doanh nghiệp nhà nước… đều là những cách nhìn phiến diện, không khách quan và phản khoa học.
Không thể tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế đến nay, kinh tế tư nhân được thừa nhận, khuyến khích phát triển, được coi là “vấn đề chiến lược lâu dài” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những đóng góp của kinh tế tư nhân đối với công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua là rất quan trọng và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không vì thế mà lại đề cao quá mức, dẫn đến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân và cho rằng, kinh tế tư nhân là “nền tảng” của nền kinh tế và gán ghép cho nó “vai trò chủ đạo” mà bản thân nó không đảm nhận được. Thực tế hiện nay, trong các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân, có tới 98% có quy mô vừa và nhỏ, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm tới 96%. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của kinh tế tư nhân hầu như không thay đổi trong thời gian dài, chủ yếu từ nhóm phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 30% GDP, còn nhóm kinh tế tư nhân chính thức chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP). Khả năng chống chịu của các chủ thể kinh tế tư nhân khá hạn chế. Số doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động hoặc giải thể khá lớn. Trong giai đoạn 2011-2020, số doanh nghiệp tư nhân ngừng kinh doanh, giải thể trung bình hàng năm bằng khoảng 73,5% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2020-2022, khả năng chống chịu yếu của doanh nghiệp tư nhân càng được bộc lộ rõ hơn. Theo Báo cáo của Cục Thống kê cả nước trong năm 2022 có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vì vậy, cần nhận thức đúng vai trò “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân và không nên ảo tưởng dẫn đến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Có thể khẳng định, việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng chính trị đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và điều kiện thực tiễn của Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét