Thành trì vững vàng chống những ‘viên đạn’ dã tâm
Luận điệu chống phá của các thế lực thù địch như những viên đạn mang dã tâm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đã không thể vượt qua tấm khiên vững chắc là sự thật và lòng người.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6 gây tổn thất nghiêm trọng về người và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, thì trên mạng xã hội và những trang báo tiếng Việt từ nước ngoài, những thông tin liên quan vụ việc này cũng xuất hiện, trong đó có nhiều thông tin sai lệch, cố tình bóp méo, suy diễn.
Các đài RFA, BBC và VOA… dẫn ý kiến người dân và giới quan sát chính trị, nhưng với những trích dẫn mang tính thiên lệch. Theo họ, nguyên nhân “châm ngòi” cho sự việc ngày 11/6 là tranh chấp đất đai và căng thẳng sắc tộc lâu nay dâng cao tại Tây Nguyên. Các trang này đăng tải các thông tin quy chụp rằng “người dân Tây Nguyên bị cướp đất”, “bi cô lập”… nên “phải vùng dậy”, và đưa ra các nhận định đổi lỗi cho chính quyền.
Có đài trích dẫn báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW, trụ sở tại Mỹ), cho rằng nguyên nhân là Việt Nam “đã phát động các phong trào tuyên truyền mạnh mẽ nhằm xóa bỏ Tin Lành Đề-ga và ép tín đồ Cơ đốc người Thượng gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Nam”.
Có đài dẫn lời một luật sư cho rằng ở Việt Nam, không ít người dân có quan niệm là chính quyền “có lỗi” trong những bất công, nên họ “hả hê” khi thấy những vụ tấn công vào cán bộ, nhân viên chính quyền… VOA thì khẳng định một cách vô căn cứ: “Tấn công vũ trang ở Đắk Lắk có gốc rễ sắc tộc”…
Các đài này phỏng vấn đại diện các tổ chức lưu vong núp dưới danh nghĩa tổ chức tôn giáo độc lập và dân sự của người Thượng ở Tây Nguyên (nhưng lại sống tại nước ngoài), lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, để kích động tư tưởng ly khai, “bài Kinh”.
Thậm chí, theo đài RFA, Y-Duen Buondap, Giám đốc điều hành của Tổ chức Đề-ga Tây Nguyên (trụ sở tại North Carolina, Mỹ), còn tuyên bố sẽ “báo cáo Liên hợp quốc cũng như Chính phủ Mỹ về những vi phạm nhân quyền ở đây” (!).
Như một trận tấn công tàn ác dù không tiếng súng, những luồng thông tin xấu độc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội, khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng tới đời sống và lao động, sản xuất, gây khó khăn với công tác điều tra của cơ quan chức năng. Dù ẩn sâu dưới lớp vỏ tinh vi, nhưng các bài viết trên các trang tiếng Việt này không giấu nổi mưu đồ ác ý, nhằm tạo ra và khoét sâu, kích động mâu thuẫn, để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Cùng với những sự can thiệp đầy ác ý này của các đài nước ngoài, mạng xã hội cũng xuất hiện những tin giả, tin không đúng sự thật. Nhiêu hình ảnh, video được chỉnh sửa, cắt ghép xuất hiện với ý đồ rõ rệt là gây hoang mang dư luận và kích động người dân, hướng về chỉ trích chính quyền sở tại và Nhà nước. Nguyễn Văn Đài, luật sư người Việt tị nạn ở nước ngoài, lên trang cá nhân trắng trợn bịa đặt, rằng “người dân Tây Nguyên đã đứng lên khởi nghĩa…”. Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội trong nước thì hùa theo, chia sẻ các bài viết với luận điệu phản động, kèm những comment tiêu cực.
Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược những gì mà các thế lực thù đich đang ra sức lợi dụng vụ việc này để tuyên truyền chống phá.
Ngay sau khi vụ việc diễn ra, người dân tại địa phương và đại đa số nhân dân Việt Nam bày tỏ sự căm phẫn trước hành vi tàn ác của các đối tượng phạm tội. Nhiều già làng, Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên kịch liệt lên án hành động phá rối an ninh trật tự, tấn công vào trụ sở cơ quan nhà nước ở các xã thuộc huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), sát hại dã man những cán bộ chiến sĩ Công an, cán bộ xã và dân thường. Các chức sắc tôn giáo và giáo dân tại Tây Nguyên đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình trước những luận điệu chia rẽ của một số đối tượng từ bên kia biên giới. Người dân xót xa trước sự hy sinh của các chiến sĩ và đồng bào, bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc, và tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin chính xác giúp lực lượng chức năng truy bắt đối tượng phạm tội.
Nhờ “thế trận lòng dân” hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng bắt giữ toàn bộ các đối tượng cầm đầu, và đến 20/6/2023, đã có 74 đối tượng tham gia vụ việc này bị tạm giữ hình sự. Các đối tượng bị bắt giữ khai nhận bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi do được hứa hẹn sẽ được cho tiền, tài sản sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Sự đoàn kết, đồng lòng của bà con các dân tộc trên địa bàn Đăk Lăk cho thấy những luận điệu về xung đột sắc tộc, tôn giáo nơi đây là hoàn toàn không có căn cứ.
Người dân Cư Kuin nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang đồng lòng, chung sức cùng với chính quyền để xây dựng kinh tế – xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển vùng miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn… mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Sự chăm lo của Đảng và nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Tây Nguyên thể hiện qua các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế và an sinh xã hội đã và đang triển khai tới từng buôn, làng, đem tới cuộc sống ấm no, trù phú, ổn định cho người dân nơi đây. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đak Lăk và các tỉnh Tây Nguyên có hàng trăm xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 90% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã và 99,39% thôn, buôn có điện; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt hơn 95%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó có 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế. Những vùng cây ăn trái bền vững xuất khẩu, những sản phẩm nông sản chủ lực mang nguồn thu lớn cho người dân… Các công trình thủy điện, điện mặt trời; các trường học, trạm y tế khang trang; các vùng nguyên liệu được quy hoạch khoa học; các nơi thờ tự tôn giáo tôn nghiêm; các công trình, dự án phát triển văn hóa bản địa… cùng dự án đường Đông Tây thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã khởi công xây dựng…. và hàng hoạt công trình trọng điểm lớn giúp cho Tây Nguyên cất cánh.
Cùng với triệt phá âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá của những đối tượng phản động, lưu vong, chính quyền các cấp cũng tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tôn giáo, qua đó, vừa giúp bà con thực hành tín ngưỡng, vừa không để tôn giáo bị lợi dụng để biến địa phương thành điểm nóng về an ninh trật tự….
Tất cả những điều này cho thấy nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư phát triển Tây Nguyên, để đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là những minh chứng rõ nét từ thực tế, cho thấy những luận điệu chống phá dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc… là hoàn toàn bịa đặt. Những comment, những status sai sự thật trên các mạng xã hội với tư tưởng chống phá, xuyên tạc… cũng đều bị cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Đăk Lăk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đã ổn định, người dân yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất và đồng lòng với chính quyền các cấp tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững chắc, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương. Mỗi người dân đều có nhận thức sâu sắc và cảnh giác trước những luận điệu lôi kéo, dụ dỗ, kích động của các thế lực thù địch; không nghe, không tin, không làm theo những thông tin sai trái, xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tận mắt chứng kiến hậu quả của những người nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu, đồng thời được đón nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân được tăng cường niềm tin vào sự công minh của luật pháp Việt Nam và chính sách dân tộc tôn giáo cùng các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội các khu vực khó khăn của Đảng và Nhà nước.
Thực tế đời sống ngày một khởi sắc của đồng bào và tình yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung là lời đáp trả mạnh mẽ nhất đối với những luận điệu chống phá; đồng thời là tấm khiên, là thành lũy vững vàng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng trước âm mưu, thủ đoạn, của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm.
Thùy Hương
Nhận xét
Đăng nhận xét