Người dân – lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

 Hơn lúc nào hết, dựa vào dân vẫn là cách “lo xa, lo sớm” trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì thế, huy động sức dân ngày càng trở thành một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ngày 24/6/2023.

Từ chủ trương nhất quán của Đảng

Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở là một chủ trương xuyên suốt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bên cạnh vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn, an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân cũng là những điểm mới được nhấn mạnh trong mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, có thể xem an ninh quốc gia và an toàn cho Nhân dân là hai mặt của một vấn đề, là nhiệm vụ quan trọng và mang tầm chiến lược của toàn hệ thống chính trị ở nước ta trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Điểm mới tiếp theo về nhận thức của Đại hội Đảng lần thứ XIII là đã chú trọng đến an ninh xã hội và an ninh con người. Giải quyết tốt mối quan hệ gắn kết giữa hai vấn đề này sẽ góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh quốc gia.

Cho nên, phát huy vai trò của lực lượng quần chúng nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn cả trong dài hạn. Có thể khẳng định rằng, người dân trở thành một lực lượng rất quan trọng, thậm chí không thể thiếu, trong quá trình “xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” thông qua vai trò dẫn dắt, vận động, lôi cuốn của lực lượng Công an chính quy kết hợp lực lượng dân phòng và các “già làng, trưởng bản”. Dân là gốc, là tai mắt, nên sự nghiệp cách mạng của Đảng luôn hướng tới mục tiêu vì dân và do dân.

Do dân, tức là người dân địa phương cần phải “nhập cuộc”, các cộng dồng dân cư cần có đủ khả năng “tự vệ, tự quản, tự điều chỉnh” trước thiên tai, địch họa, trong giải quyết các vấn đề trật tự, an ninh (cả truyền thống và phi truyền thống) ở cơ sở tùy theo mức độ và yêu cầu. Bác Hồ đã nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… Đảng ta cũng tiến hành thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở với mong muốn nâng cao vị thế của cộng đồng người dân địa phương theo quy tắc: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng. Các quy tắc này, nếu vận dụng tốt, có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương nói trên, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đó chính là mục tiêu xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, bình an, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú, sinh hoạt, làm việc, phát triển kinh tế. Và, để thực hiện được mục tiêu như vậy, cần phải tiến hành tập hợp, vận động, đoàn kết Nhân dân; đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.

Đến triển khai những hành động cụ thể

Gần đây, lực lượng Công an chính quy được tăng cường về cơ sở để gần dân, sát dân và để xử lý vấn đề an ninh, trật tự từ sớm, từ gốc. Đến nay, Công an xã chính quy đã được bố trí 100% về các địa bàn trên phạm vi toàn quốc và từng bước tạo được những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho các vùng quê, miền núi cao và hải đảo xa xôi. Cùng với hệ thống chính quyền ở địa phương, lực lượng này cũng tích cực đóng góp vào việc xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân”. Bên cạnh lực lượng này, lực lượng dân phòng cũng đang được củng cố, tái cơ cấu và tiếp tục duy trì phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phối hợp Công an phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là xây dựng lực lượng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở và tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Suy cho cùng thì chức năng, nhiệm vụ nói trên cũng hướng tới việc bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương nên cần xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Làm tốt chức năng, nhiệm vụ nói trên chính là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không thuần túy chỉ là những lực lượng tham gia trực tiếp và gián tiếp vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cần phải nhận thức đúng hơn về không gian an ninh ở cơ sở, rất đa dạng, phức tạp và khó đoán định. Trên cơ sở đó, xác định trúng, đúng, đầy đủ và chặt chẽ để nâng tầm chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thực thi sứ mệnh này theo hướng chặt chẽ, toàn diện, tầm vóc hơn và mang tính bao trùm, điều chỉnh hành vi xã hội ở mức độ rộng rãi với tính liên kết, gắn kết chứ không chỉ riêng lực lượng được hành chính hóa trong khi người dân thì đứng ngoài cuộc. Do đó, bên cạnh lực lượng Công an chính quy và dân phòng ở cơ sở, thì củng cố thế trận lòng dân mới là việc quan trọng cần làm thay vì phải tăng cường các lực lượng khác.

Đề cao vai trò của Nhân dân và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đang được Bộ Công an và các địa phương thực hiện rất tốt, cần phải có những cơ chế phối hợp chặt chẽ để phát huy hiệu lực và hiệu quả của các luật, chính sách, bảo đảm tính nhất quán trong việc triển khai những nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đơn cử, để dân đói, thiếu công bằng trong thực hiện quyền của người dân và giữa các cộng đồng dân cư trên cùng địa bàn, thì dễ tạo kẽ hở để kẻ xấu kích động, lợi dụng. Trong khi, để giải quyết những vấn đề thực tế nảy sinh này không phải chỉ đơn giản là nhiệm vụ của một ngành đơn lẻ nào mà phải có cơ chế phối hợp liên ngành và đặt mục tiêu vì dân lên trên hết.

Vì thế, muốn huy động sức dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cần vận dụng lồng ghép, linh hoạt các quy định luật pháp và có các giải pháp ổn định đời sống nhân dân, không để ai tụt lại phía sau, giải quyết ổn thỏa các quan hệ xã hội liên quan đến các tranh chấp lợi ích giữa các cộng đồng dân cư trên địa bàn. Làm sao cho dân tin vào Đảng và Đảng dựa được vào dân thì cũng cần tăng cường và đề cao “quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân”; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ “quyền và nghĩa vụ của công dân” đi đôi với “tăng cường dân chủ ở cơ sở” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng2 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp tục thể chế hóa nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hiện đang trong quá trình hoàn thiện sau những đóng góp của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 vừa qua. Đây là bước thể chế hóa và là cơ hội để luật hóa nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thông qua tăng cường lực lượng phối hợp với Công an chính quy ở các xã, phường, thị trấn. Vì thế, cần thiết phải ban hành luật này, đặc biệt trong tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở, tệ nạn, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện, xung đột có chiều hướng phức tạp, diễn ra tại địa bàn cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư…

Đội dân phòng tham gia phòng, chống tội phạm ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk), về pháp lý, đây không phải lực lượng thành lập mới mà thực chất là sắp xếp, tổ chức lại lực lượng đã có, gồm Công an xã bán chuyên trách, dân phòng và bảo vệ dân phố. Nên lực lượng này sẽ làm cầu nối, cánh tay nối dài cho lực lượng Công an xã chính qui trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, lực lượng này có sẵn ở trong dân, nắm rõ tình hình địa phương, cơ bản được đào tạo, huấn luyện, có kiến thức về an ninh trật tự; trong đó, lực lượng Công an xã bán chuyên trách có nhiều người được đào tạo đến trung cấp Công an nhân dân nên có trình độ, khả năng công tác.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nêu rõ, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành qui định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Dự án luật cũng nhằm mục đích xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, để xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần có sự tham gia chủ động, tích cực của người dân và các cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở. Công an chính quý và dân phòng, cũng như các cơ quan thuộc chính quyền địa phương không “làm thay” và “làm cho” người dân và cộng đồng địa phương, mà tập trung hướng dẫn kỹ công an năng, khơi dậy tính chủ động tham gia và phát hiện của người dân và cộng đồng liên quan tới an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thì đây là cơ hội tạo cho người dân có vị trí pháp lý để thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ công dân của họ trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì các lý do nói trên, vai trò của người dân cần được luật hóa trong dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Có thể dành riêng một chương quy định về “Huy động sức dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” vì Nhân dân xứng đáng là lực lượng quan trọng trong bảo đảm, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.


1. Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, trang 94. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

 2. Hội đồng Lý luận Trung ương. Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, trang 102, Hà Nội, 2021.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM