Nhận diện thủ đoạn bôi nhọ, chống phá lực lượng CAND

 


CAND Việt Nam là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với vai trò, chức năng nhiệm vụ phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng Công an trở thành mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn hướng tới nhằm xuyên tạc, chống phá.

Thời gian qua, các đối tượng xấu tìm cách bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự và phủ nhận những công lao của biết bao cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vất vả bảo vệ sự bình an cho đất nước, cho nhân dân.

Hoạt động tuyên truyền chống phá được các đối tượng đẩy mạnh mỗi khi trong ngành Công an phát hiện, xử lý trước pháp luật hoặc kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ thoái hóa, biến chất, có sai phạm về đạo đức, tác phong nghề nghiệp, vi phạm quy định của ngành và của pháp luật hiện hành. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, họ lợi dụng những bức xúc của dư luận xã hội, kết hợp “ngụy tạo chứng cứ” nhằm tạo ra làn sóng tiêu cực hướng tới công kích, bôi nhọ ngành Công an theo dạng “tát bùn sang ao”.

Nếu ví lực lượng Công an như “cây xanh lớn” thì những trường hợp vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật là “cành lá héo”, chỉ mang tính nhỏ lẻ, là hiện tượng xảy ra ở nơi này hay nơi khác. Thế nhưng, bằng cách lập luận xảo trá, cùng những hình ảnh được cắp ghép, chỉnh sửa, các nhà dân chủ giả hiệu đã đánh tráo hiện tượng thành bản chất, cho rằng những sai phạm của cá nhân là “phần nổi của tảng băng chìm”, đánh đồng với tất cả lực lượng CAND. Những bài viết, bình luận dựa vào những sai phạm, hiện tượng tiêu cực của một số cán bộ, chiến sĩ để đẩy thành vấn đề lớn, từ đó kích động tâm lý hiềm khích, thù hằn với lực lượng Công an.

Ngoài ra, các đối tượng còn “bới lông tìm vết”, soi mói chuyện đời tư của các cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an, qua đó bồi bút xuyên tạc, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an. 

Khi các cán bộ, chiến sĩ Công an lập được những công trạng, thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giúp đỡ người dân gặp thiên tai, hoạn nạn, khó khăn… thì các đối tượng tảng lờ. Nhiều vụ trọng án dư luận đặc biệt quan tâm, lực lượng Công an vào cuộc với quyết tâm cao nhất, không ngại hiểm nguy, gian khó, nhanh chóng bắt giữ thủ phạm, làm rõ vụ án, được nhân dân ngợi khen. Để kịp thời ghi nhận, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương và cấp ủy, chính quyền có hình thức khen thưởng đột xuất.

Đây là việc làm rất cần thiết và không chỉ với lực lượng CAND mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng có hình thức biểu dương, khen thưởng tương tự. Hình thức khen thưởng này cũng không phải bây giờ mới có và người dân luôn ủng hộ việc động viên, khen thưởng trong những trường hợp như vậy. Thế nhưng, với ý đồ chống phá, nhiều đối tượng vẫn cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, cho rằng phá án là việc của lực lượng Công an, xuất sắc đến đâu cũng không cần khen thưởng!

Các đối tượng đã dùng “miệng lưỡi diều hâu” phớt lờ những thành tích đã đạt được hoặc tìm cách phủ nhận những công lao của các cán bộ, chiến sĩ đã không quản khó khăn, hiểm nguy, ngày đêm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đem lại sự bình an cho đất nước đúng như tinh thần của khẩu hiệu “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”.

Đất nước ngày nay có được bình yên, an ninh chính trị được ổn định, tội phạm được kiềm chế chính là nhờ công sức của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an cùng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân. Thế nhưng, phía sau sự bình yên, phía sau mỗi chuyên án là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an. Được hưởng thụ thành quả của sự ổn định, yên bình nhưng không phải ai cũng có thể thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh của “những bàn chân lặng lẽ”, những người tạo nên chiến công thầm lặng nhưng rất đỗi vẻ vang.

Theo thống kê, từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022 có 7 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, 120 cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương trong khi thi hành công vụ; có 13 cán bộ Công an bị phơi nhiễm HIV. Con số đó cho thấy tính chất khốc liệt, hiểm nguy hàng ngày mà những cán bộ, chiến sĩ CAND đang đối mặt, nhất là trong bối cảnh hoạt động nhiều loại tội phạm diễn ra manh động, sử dụng vũ khí chống trả nguy hiểm. Để có được sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là sự nỗ lực, quyết tâm và cả những hy sinh, mất mát trong thời bình của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. 

Trở lại những sai phạm của một số cán bộ, chiến sĩ Công an thời gian qua, cần phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm đang tồn tại của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong ngành để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là việc xử lý nghiêm các sai phạm gắn với công tác tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Thực tế, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên dù đại đa số cán bộ, chiến sĩ CAND có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt pháp luật và các nội quy, quy định có liên quan song vẫn xảy ra hiện tượng một số cán bộ, chiến sĩ chấp hành không nghiêm, vi phạm pháp luật, phạm tội.

Lực lượng CAND được đào tạo, rèn luyện bài bản, chính quy, tinh nhuệ để trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên” và theo quy luật, những “con sâu làm rầu nồi canh” tất yếu họ bị đào thải và chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi mình gây ra. Đặc biệt hiện nay, toàn lực lượng CAND đang đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Chính vì vậy, đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ thoái hóa, biến chất “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật đều bị xử lý theo quy định của ngành Công an và quy định của pháp luật. Điều đó cho thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong việc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tập trung xây dựng đội ngũ CAND theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trước những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng chống phá, mỗi người cần tỉnh táo, nhận diện các thông tin xấu, độc hại, không để bị lừa bịp, lôi kéo theo chiều hướng tiêu cực. Trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội, các nhà dân chủ giả hiệu sẽ không từ một thủ đoạn nào, tiếp tục công kích, bôi nhọ, hạ uy tín lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Công an nói riêng.

Các đối tượng triệt để sử dụng mạng xã hội phát tán những thông tin xấu, độc hại để gieo rắc, kích động tâm lý hiềm khích trong dư luận. Do đó, mỗi người dân khi tiếp cận các thông tin, bài viết có nội dung tương tự như trên cần thực hiện theo phương châm “5k” đó là: Không tin ngay; không vội bấm like; không thêm thắt; không kích động và không vội chia sẻ. Hành động đó góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các thông tin xấu, độc hại và đồng thời, cần thể hiện lý trí, sự hiểu biết để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Có như vậy, mỗi người dân sẽ trở thành một người chiến sĩ đấu tranh với những cái sai, cái xấu trên mạng xã hội và đó cũng chính là hành động thể hiện sự trách nhiệm của người công dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ danh dự, uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, CAND nói riêng.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM