Không thể phủ nhận kết quả bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam
Bất chấp thực tế về những nỗ lực trong bảo đảm quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của Việt Nam những năm qua, các lực lượng thù địch, phản động vẫn ra sức xuyên tạc, phủ nhận nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước và can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Trong bài viết “Việt Nam phải thay đổi nếu muốn đạt được kỳ vọng của bản thân và kỳ vọng quốc tế”, Quốc Phượng đã xuyên tạc và vu khống rằng, “các nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự trong 6 -7 năm qua bị đàn áp rất khốc liệt”, “phần lớn người dân không hiểu về quyền của mình”… Đây là những luận điệu sai trái, vu khống Việt Nam, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Thứ nhất, quyền con người và quyền công dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, bảo đảm.
Quan tâm bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo động lực vật chất, tinh thần cho nhân dân phát triển toàn diện, phát huy vai trò đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành nhiều chính sách, pháp luật, quy định về quyền con người, quyền công dân, về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở; về bảo hiểm, bảo trợ; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân… Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013, là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và luật pháp quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhân dân được thụ hưởng ngày càng nhiều những thành quả của cách mạng. Người dân được bảo đảm điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân; có quyền hưởng thụ và sáng tạo trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn, trước tác động của thiên tai, dịch bệnh… Chính phủ đã có nhiều giải pháp, triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vượt qua khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, Nhà nước cũng có những biện pháp nghiêm trị đối với những hành vi sai trái như: đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân, xúi giục, kích động nhân dân tụ tập đông người, khiếu kiện, biểu tình, gây rối… gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến lợi ích của người dân và quốc gia.
Do vậy, phần lớn người dân hiểu và thực hiện khá tốt quyền dân chủ, ngày càng phát huy tốt hơn quyền làm chủ của mình, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh với những nhận thức, hành vi sai trái, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc, chứ không phải “phần lớn người dân không hiểu quyền của mình” như những gì Quốc Phượng xuyên tạc trong bài viết của y.
Thứ hai, không thể gọi những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Để phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân trong nước và trên thế giới, mặc dù tuyên bố mục đích là đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhưng thực chất là lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Với nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau: các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã viện trợ, tài trợ nhằm tiếp tay, nuôi dưỡng một số tổ chức phi chính phủ giương cao khẩu hiệu “dân chủ, tự do, nhân quyền”, lợi dụng mâu thuẫn xã hội, kích động, xúi giục, lừa dối và lôi kéo người dân tham gia các hoạt động biểu tình, khiếu kiện đông người, tạo ra những điểm nóng chính trị – xã hội.
Chúng tổ chức các hoạt động truyền bá tư tưởng “xã hội dân sự” của phương Tây, đề cao và tuyệt đối hóa để gây áp lực xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền tác động phá hoại nội bộ, thúc đẩy quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm tạo lực lượng chống đối Đảng và Nhà nước ta.
Một số đối tượng chống đối đã tham gia các buổi điều trần ở nước ngoài, một số tổ chức quốc tế và nhóm trong nước công bố “thư ngỏ”, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đề nghị can thiệp trả tự do cho các đối tượng chống đối trong nước bị bắt do vi phạm pháp luật, như yêu cầu trả tự do cho các đối tượng: Ngô Văn Dũng, Will Nguyễn, Nguyen James Han, Phan Angel, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Cấn Thị Thêu… do phạm tội “phá rối an ninh”, kích động biểu tình, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…
Thiết nghĩ, ở bất cứ quốc gia nào, việc cố tình phá rối an ninh, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đều là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải trừng trị thích đáng. Những hành vi phi pháp đó không thể gọi là hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền như sự ngụy biện của Quốc Phượng và đồng bọn.
Yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi cần phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển toàn diện, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với những cá nhân, tổ chức lợi dụng dân chủ nhân quyền, xâm phạm đến lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta./.
Nhận xét
Đăng nhận xét