“Nạn dạy thêm” có phải do chế độ?
Để thấy một thực tế rằng các nhà chống cộng cờ vàng vẫn luôn nhìn câu chuyện chính sách ở Việt Nam bằng cái nhìn võ đoán và ngô nghê, hãy thử đọc những gì họ đang viết về “nạn dạy thêm” mà họ đòi chấm dứt.
Ngày 01/10, fanpage của đảng Việt Tân đã đăng lại một status của FB Thái Hạo, trong đó người viết tuyên bố rằng mô hình “hợp tác công tư” là cội nguồn của “nạn dạy thêm”, và phải xoá bỏ “hợp tác công tư” mới trị được “nạn dạy thêm” tận gốc. Trong phần comment dưới bài viết, nhiều đảng viên Việt Tân như Thanh Quach đã hùa theo mà tuyên bố rằng chế độ chính trị là cội nguồn của mọi vấn đề giáo dục ở Việt Nam, và phụ huynh phải tham gia lật đổ chế độ nếu muốn nền giáo dục khá hơn. Làm cờ vàng cũng nhàn – bạn chỉ cần biết hô hào lật đổ chế độ chứ chẳng cần học thêm gì khác.
Nhưng câu chuyện thực tế có giống như Thái Hạo mô tả không? Trước hết, không khó để nhận ra câu chuyện dạy thêm ở Việt Nam chẳng có gì liên quan đến mô hình “hợp tác công tư” mà Thái Hạo đang đổ lỗi. Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo Phương thức Đối tác Công tư 2020, mô hình đối tác công tư, hay PPP (Public – Private – Partnership), là hình thức được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khu vực tư nhân để thực hiện, quản lý, vận hành những dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công cộng. Trong thực tế, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng mô hình này: phần lớn cơ sở hạ tầng ban đầu của Mỹ – bao gồm cả đường bộ, đường sắt lẫn mạng lưới điện – đã được xây dựng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 bằng quan hệ đối tác công tư. Ngày nay, việc gia tăng sử dụng mô hình đối tác công tư đang trở thành xu hướng chung của đa số các nhà nước hiện đại.
Như vậy, mô hình hợp tác công tư không hề liên quan đến chế độ chính trị đặc thù của Việt Nam, để các đảng viên Việt Tân có thể quy tội cho chế độ mà hô hào lật đổ. Hơn thế nữa, nó cũng chẳng hề liên quan đến vấn đề dạy thêm và học thêm – vì các lớp học thêm là dịch vụ tư được phụ huynh chi giả thay vì dịch vụ công được ngân sách chi trả. Tóm lại, Thái Hạo và các đảng viên Việt Tân đã gán ghép chuyện “đối tác công tư” với chuyện chế độ chính trị và chuyện học thêm chỉ vì họ mù tịt về điều mà họ đang nói đến.
Thêm nữa, “nạn dạy thêm” có xuất phát từ chế độ chính trị của Việt Nam không? Trong thực tế, nguyên nhân thật của vấn nạn này là thái độ kỳ vọng của cha mẹ với con cái và sự tôn sùng khoa cử, vốn phổ biến ở cả các nước Á Đông theo chế độ đa đảng.
Chẳng hạn, dù các giáo viên đứng lớp chính thức ở Nhật không được phép dạy thêm, hệ thống các trường dạy thêm ở quốc gia này vẫn rất phát triển. Cả nước Nhật hiện có khoảng hơn 55.000 địa điểm tổ chức dạy thêm, tức khoảng 4,1 điểm dạy thêm / 1000 học sinh từ tiểu học đến trung học. Trong đó, Kumon là cơ sở dạy thêm lớn nhất với gần 2 triệu học sinh trên toàn quốc, cơ sở lớn thứ hai là Eiko, có gần 1 triệu học sinh. Chi phí học thêm của một trẻ em Nhật có thể lên tới 800.000 yen/năm, một con số không hề nhỏ. Hồi thập niên 80-90 của thế kỷ trước, nước Nhật thường xuyên chứng kiến những vụ tự sát của học sinh hoặc phụ huynh do không chịu nổi áp lực từ việc học thêm. Nhìn vào câu chuyện của nước Nhật, ta thấy rõ áp lực học thêm trước tiên xuất phát từ những kỳ vọng của phụ huynh, chứ không phải từ trách nhiệm của các giáo viên, của trường công hay của chế độ chính trị.
Một câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Hàn Quốc. Cứ 10 học sinh Hàn Quốc thì có 8 em học thêm ở các cơ sở giáo dục tư nhân, tham gia vào các trường luyện thi trên khắp đất nước. Mỗi học sinh Hàn Quốc học thêm trung bình 7,2 giờ mỗi tuần. Áp lực và chi phí từ việc học thêm đã khiến Hàn Quốc trở thành một quốc gia có số lượng thanh thiếu niên trầm cảm và tỷ lệ tự tử thuộc hàng cao nhất trên thế giới, đồng thời góp phần khiến tỉ lệ sinh ở nước này giảm.
Việt Tân có định giải quyết vấn đề bằng cách khuyên dân Nhật, dân Hàn lật đổ chế độ không? Đặt ra câu hỏi này, ta sẽ thấy họ chỉ đang thực hành một thứ chính trị thiển cận, vô học, phá hoại, không đem lại kết quả tốt đẹp ngay cả trong các chế độ đa đảng.
Nhận xét
Đăng nhận xét