Diễn đàn APEC khẳng định tầm vóc, uy tín, vai trò, vị thế, uy tín không thể phủ nhận của Việt Nam

 Cộng đồng dân tộc Việt Nam có ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 6 triệu người, trong đó có khoảng 600.000 người là chuyên gia và trí thức; tại Hoa Kỳ cộng đồng người Việt Nam là đông nhất trên toàn thế giới, có nhiều người Việt thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục… Bởi vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Hoa Kỳ nói riêng, đó là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tiếc rằng, vẫn còn một bộ phận nhỏ thành phần chống phá như Việt Tân đi ngược lại xu thế chung của đông đảo cộng đồng người Việt tại Mỹ. Chẳng hạn, mỗi bận lãnh đạo Việt Nam đến Mỹ, y như rằng, lại có màn hô hoán nhau biểu tình phản đối, và thổi phồng số lượng cũng như tính chất, giống như chuyến công du tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Thực tế, hiện nay khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng ngày càng trở thành một khu vực kinh tế quan trọng của thế giới. Với nhiều thách thức mà các nền kinh tế đang phải đối mặt, Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Mỹ đã chọn chủ đề cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay là “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người” với 3 ưu tiên đó là “Kết nối”, “Đổi mới” và “Bao trùm”. Với chủ đề này, Tuần lễ cấp cao APEC năm nay đang tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế như phát triển bền vững, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe, thúc đẩy Khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) nhằm mục tiêu xây dựng một khu vực “kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm”. Có thể thấy rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, căng thẳng tại các điểm nóng trong khu vực có xu hướng gia tăng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong APEC vẫn còn nhiều cơ hội và nếu các nền kinh tế thành viên thực sự mong muốn và có các hành động cụ thể thì mục tiêu hướng tới xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển hoàn toàn khả thi.

Kể từ khi là thành thành viên APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, các hành động tập thể của APEC. Việt Nam chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được các đối tác quốc tế đánh giá cao. Đây là những đóng góp rất cụ thể, thiết thực và nó thể hiện chủ trương nhất quán của chúng ta là là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nếu như tại APEC 2006, Việt Nam ghi dấu ấn với Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu về tự do hóa thương mại và đầu tư, thì năm 2017, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Điều này thể hiện cách tiếp cận dài hạn, tổng thể của Việt Nam, làm nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực chung của APEC từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu. Các sáng kiến, dự án này đã thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với lợi ích của các thành viên. Đánh giá về những nỗ lực của Việt nam vào thành công chung của Diễn đàn APEC, đặc biệt là khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ nhà của Hội nghị cấp cao năm 2017 tại Đà Nẵng, nguyên Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet nhận định: “Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc thực thi các nội dung quan trọng và trong vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Việt Nam về những ưu tiên trong Chương trình nghị sự của Năm APEC 2017”.

Một điểm nhấn nữa đó là vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC của Việt Nam thông qua việc đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn APEC. Nổi bật là vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban, nhóm công tác quan trọng của Diễn đàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đóng góp và tham gia tích cực tại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, khi dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Đà Nẵng đã nhấn mạnh rằng, những vẫn đề ưu tiên của Việt Nam đã chứng minh Việt Nam đang thể hiện quyết tâm rất cao cùng APEC hiện thực hóa các mục tiêu chung: “Việt Nam là nước có nền kinh tế rất mở và đang được hội nhập tốt hơn với thế giới. Tôi cũng thấy, việc Việt Nam đặt thương mại quốc tế là trọng tâm đã thực sự được chứng minh là đúng đắn, nhất là khi 60% thương mại của khu vực diễn ra giữa các nước châu Á với nhau”.

Có thể nói, thành công của các Năm APEC 2006 và APEC 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại Diễn đàn APEC đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế. Từ đó, giúp Việt Nam tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh Diễn đàn APEC, hợp tác kinh tế Việt – Mỹ khi thương mại hàng hóa song phương đã tăng lên 139 tỷ USD, gấp hơn 300 lần so với năm 1995. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ, hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm ba nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN. Là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Như vậy ta thấy Diễn đàn APEC đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam, đó là thể hiện sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân trong và ngoài nước trong đó có sự tham gia tích cực có hiệu quả của đông đảo cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ.

Kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới; đồng thời, mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc các thế lực thù địch âm mưu xuyên tạc chia rẽ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại Hoa Kỳ; chúng triệt để lợi dụng một số người chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu về đất nước, con người Việt Nam xúi giục họ có những hành động làm ảnh hưởng đến uy tín của đông đảo cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Thế giới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và tương lai một ngày nào đó những người tham gia hoạt động chống phá  hôm nay sẽ về thăm quê hương, thấy đất nước và con người Việt Nam đã và đang đổi thay từng ngày thì họ sẽ thấm thía và ân hận với những hành động năm nào trên đất nước Hoa Kỳ thật là vô nghĩa.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM