Lại giở trò lố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023”
Ngày 18/11 vừa qua, tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California (Mỹ) công bố “Báo cáo nhân quyền 2022-2023”, tiếp tục đưa ra những nội dung xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức này còn đưa ra cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” để “tôn vinh” các đối tượng Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng – những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước.
Mưu đồ “bình mới, rượu cũ”
Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Human Rights Network – VHRN) là một tổ chức tự xưng có trụ sở tại bang California (Mỹ), được biết đến là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân, tập hợp thành viên chân rết của tổ chức này để tiến hành các hoạt động chống phá. Tháng 11/1997, một nhóm người Việt sinh sống ở Mỹ do Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyễn, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Liên… đã tổ chức “hội nghị quốc tế” tại TP Santa Ana, thuộc quận Orange County, bang California, Mỹ và công bố thành lập tổ chức với tên gọi Mạng lưới nhân quyền Việt Nam. Để thu hút sự quan tâm của dư luận, đánh bóng, gây thanh thế trong cộng đồng hải ngoại, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã đưa ra mục tiêu hoạt động “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tổ chức này đã thiết lập các trang mạng xã hội, website để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video, hình ảnh nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Cùng với đó, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam còn quan hệ, móc nối, vận động sự bảo trợ của một số nghị sĩ của Mỹ có quan điểm thiếu thiện chí với Việt Nam và tăng cường móc nối, quan hệ với các tổ chức thường xuyên có hoạt động vu cáo, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc như Đài Á Châu Tự Do – RFA; tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), tổ chức Nhà báo không biên giới (Reporters Sán Frontieres – RSF), tổ chức Ủy ban bảo vệ ký giả (Committee to Protect Journalists – CPJ), tổ chức Ân xá quốc tế ( Amnesty International – AI), Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam, tập hợp Thanh niên dân chủ...
Từ khi thành lập đến nay, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam thường xuyên công bố báo cáo nhân quyền, nội dung lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam để xuyên tạc sự thật, phục vụ cho mục đích bôi lem, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” mà tổ chức này đưa ra cũng không nằm ngoài chiêu bài trên khi họ tập hợp, đánh giá với hàng trăm trang nhưng tất cả đều là cách nhìn phiến diện, sai sự thật về thực tiễn tình hình tự do dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam. Trong đó, họ đã cố tình xuyên tạc rằng “Chính phủ Việt Nam ngược đãi, kỳ thị người dân tộc thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống”; đưa ra những thông tin, tình hình sai lệch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ… Đồng thời, để cổ vũ cho những kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước, hằng năm, mạng lưới này còn tổ chức họp, bình chọn, công bố, “vinh danh” cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” để “tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”.
Từ năm 2002 đến nay, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã trao giải thưởng này cho hơn 60 cá nhân. Những người được tổ chức này “vinh danh” nhận giải thưởng cũng là những thành phần quen thuộc trong các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước núp dưới danh nghĩa là “tù nhân lương tâm”, “dân oan”, “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị”, kẻ đã ra tù, kẻ thì đang bị giam giữ hoặc đang bị khởi tố, xét xử. 21 năm qua, “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” đã “vinh danh” những cá nhân chống phá như Nguyễn Văn Lý, Lê Quang Liêm, Thích Quảng Độ, Phan Văn Lợi, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Đăng Quế, Nguyễn Chính Kết, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải (Hải “Điếu cày”), Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Võ An Đôn, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Đình Mẫn, Phạm Đoan Trang, Lê Công Định, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Tường Thụy, Lưu Văn Vịnh, Trần Đức Thạch… Đồng thời, một số tổ chức núp bóng dân chủ hoạt động chống phá đất nước cũng được “vinh danh” với giải thưởng này như “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Bán nguyệt san Tự do ngôn luận” của khối 8406, “Hội Anh em dân chủ”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”…
Chân dung 3 đối tượng được trao “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023”
Cùng với “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” thì ngày 18/11 vừa qua, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng đã công bố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” để “tôn vinh” các đối tượng Trần Văn Bang (SN 1961), Y Wô Niê (SN 1970) và Lê Trọng Hùng (SN 1979) - những kẻ rêu rao xuyên tạc rằng, họ là những “nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa” đang bị “giam cầm trong nhà tù cộng sản”! Theo thông tin được tổ chức này chia sẻ trên các trang mạng xã hội, trang web và được các trang mạng như Đài RFA, VOA Tiếng Việt chia sẻ thì Mạng lưới nhân quyền Việt Nam sẽ tổ chức trao giải tại TP Toronto, Canada với sự hợp tác của Ủy ban yểm trợ phong trào dân chủ quốc nội – Toronto vào ngày 10/12/2023, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế nhân quyền lần thứ 75. Vậy chân dung của những kẻ vừa được nhận cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” là ai?
Đối với Trần Văn Bang (SN 1961, quê quán Hải Dương), bị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án 8 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Bang là người đã sử dụng 3 tài khoản facebook gồm “Trần Bang”, “Bang Trần”, “Tran Josh” để soạn thảo, đăng tải 39 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bảng, nói xấu chính quyền, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo. Không những vậy, y còn có hành vi tàng trữ nhiều tài liệu, sách báo, trong đó có 4 cuốn tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc, nhân dân các nước, kích động bạo lực. Với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, việc Trần Văn Bang bị tòa tuyên phạt 8 năm tù giam là đúng pháp luật.
Với Y Wô Niê (SN 1970, ở buôn Pưk, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), bị TAND cấp cao tại Đắk Lắk tuyên phạt y án sơ thẩm 4 tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Y Wô Niê là người đã từng có 1 tiền án về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết và bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 9 năm tù giam. Vậy nhưng sau khi chấp hành xong án phạt tù vào tháng 12/2011, Y Wô Niê đã “ngựa quen đường cũ” khi lập tài khoản “Jing” trên mạng xã hội WhatsApp để đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng Công an trên địa bàn huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk. Với những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, xâm hại đến uy tín của cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương và gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, TAND cấp cao tại Đắk Lắk tuyên phạt y án sơ thẩm 4 năm tù giam với Y Wô Niê về tội danh trên.
Còn với Lê Trọng Hùng, tức Hùng “gàn”, SN 1979, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam và 5 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Lê Trọng Hùng đã thông qua fanpage facebook “CHTV Vietnam” đăng tải các video clip có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chỉ điểm qua những hoạt động trên để thấy bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” hay “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” cũng là chiêu trò đến hẹn lại lên của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng như những tổ chức, cá nhân khác vốn lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam. Chiêu trò này tuy quá cũ nhưng nó vẫn như cú hích nhằm tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, đồng thời để cho các đối tượng trong nước bấu víu, tiến hành các hoạt động chống phá đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét